Sau năm 2020, khu CNC Hoà Lạc sẽ đi vào đầu tư chiều sâu

Khi Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu CNC Hoà Lac, từ sau năm 2020 có thể đưa Khu CNC Hoà Lạc sang một giai đoạn phát triển mới đó là đầu tư chiều sâu, đầu tư cho khoa học và công nghệ.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Đại Dương, sau 17 năm triển khai xây dựng và phát triển, Khu CNC Hòa Lạc vẫn chưa đáp ứng được được các mục tiêu đề ra đó là tạo điểm nhấn, thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao, phát triển và ươm tạo công nghệ cao của khu vực phía Bắc.

Tuy nhiên, đến nay các nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của Khu CNC Hoà Lạc đã bước đầu được thiết lập. Điều này được khẳng định khi giai đoạn giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng Khu Công nghệ cao đã chuẩn bị kết thúc, chuyển sang giai đoạn phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ.

Tiềm năng và cơ hội phát triển của Khu CNC Hoà Lạc cũng được khẳng định qua việc các tổ chứcquốc tế (JICA, KOICA, ADB…) đã hỗ trợ các nguồn lực, tài chính cho xây dựng và phát triển Khu CNC Hoà Lạc. Các nhà đầu tư nước ngoài (Nissan, Noble…), các doanh nghiệp lớn trong nước (Viettel, FPT…) đã lựa chọn Khu CNC Hoà Lạc là địa bàn đầu tư trọng điểm của doanh nghiệp trong điều kiện Khu CNC còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng và cơ chế, chính sách.

thu_truong_pham_dai_duong_tra_loi_bao_chi

Các cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hoà Lạc có giải quyết được các vướng mắc trên không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phạm Đại Dương: Thông thường, việc xây dựng cơ chế chính sách thường phải đi trước một bước để làm tiền đề cho việc xây dựng và phát triển. Ngay từ khi Khu CNC Hoà Lạc mới được thành lập, Bộ KH&CN đã nhận thức được tầm quan trọng của cơ chế, chính sách đối với sự phát triển của Khu CNC Hoà Lạc. Thực tế, trong thời gian qua, Bộ KH&CN cũng đã rất nỗ lực để đưa nhiều quy định điều chỉnh hoạt động của Khu CNC nói chung vào các văn bản quy phạm pháp luậtnhư Luật đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng…

Khi hàng lang pháp lý điều chỉnh hoạt động của Khu CNC nói chung đã cơ bản đã đồng bộ và ổn định, Bộ KH&CN nhận định đây thời điểm là thích hợp và “chín muồi” cho việc rà soát và nhìn lại một chặng đường dài xây dựng và phát triển Khu CNC Hoà Lạc để có thể đánh giá được những kết quả đã đạt được, “nêu tên” được các khó khăn vướng mắc cần phải tháo gỡ và xác định các định hướng phát triển cụ thể trong giai đoạn sắp tới.

Vì vậy, Bộ KH&CN đánh giá các nội dung đề xuất  về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hoà Lạc là rất đồng bộ và đầy đủ, có thể tháo gỡ toàn bộ các khó khăn vướng mắc từ trước đến nay, đảm bảo huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, tránh lãng phí thời gian, không làm mất cơ hội của Quốc gia và của các nhà đầu tư tại Khu CNC, tạo động lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển Khu CNC Hoà Lạc, giúp Khu CNC sớm kết thúc giai đoạn giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng để chuyển sang giai đoạn phát triển mới đó là phát triển tiềm lực KH&CN.

Thưa Thứ trưởng trong Dự thảo cơ chế đặc thù cho Khu CNC Hòa Lạc, gồm: Đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, chính sách ưu đãi và thủ tục đầu tư, vấn đề nào là mấu chốt để tạo được động lực phát triển cho Khu CNC Hòa Lạc, để Khu này sớm đạt được các mục tiêu đã đề ra, điều này có đúng không thưa ông?

Thứ trưởng Phạm Đại Dương: Như đã trình bày ở trên, tất cả các nội dung nêu trong dự thảo Cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hoà Lạc đều là các vấn đề “mấu chốt” và rất quan trọng, bởi vì đó là những vấn đề chưa được luật pháp quy định hoặc có quy định nhưng chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến không thể thực hiện được. Đó cũng còn là những vấn đề tồn tại vướng mắc từ nhiều năm nay của Khu CNC Hoà Lạc nhưng chưa được tháo gỡ và chưa có phương án tháo gỡ hiệu quả, đó là những mong muốn của Bộ KH&CN trong định hướng phát triển Khu CNC Hoà Lạc…

Tuy nhiên, để tạo “động lực phát triển Khu CNC”, tôi cho rằng nội dung về “đầu tư xây dựng” và “ưu đãi đầu tư” là các nhân tố trực tiếp để đẩy nhanh tiến độ xây dựng phát triển Khu CNC và để thu hút được các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực khoa học và công nghệ cao. Các nội dung về “quản lý đất đai” và “thủ tục đầu tư” mặc dù không phải là nhân tố trực tiếp để tạo động lực đẩy nhanh tiến độ nhưng đó lại là các nội dung hết sức quan trọng để tạo một cơ sở pháp lý đầy đủ trong công tác quản lý nhà nước đối với Khu CNC, tạo một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho các nhà đầu tư.

Khu CNC Hoà Lạc sẽ có những giải pháp nào nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động thời gian tới?

Thứ trưởng Phạm Đại Dương: Trong thời gian tới, khi Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu CNC Hoà Lac, Bộ KH&CN sẽ tập trung toàn bộ nguồn lực để hoàn thành dứt điểm công tác GPMB và xây dựng cơ sở hạ tầng để từ sau năm 2020 có thể đưa Khu CNC Hoà Lạc sang một giai đoạn phát triển mới đó là đầu tư chiều sâu, đầu tư cho khoa học và công nghệ.

Vì vậy, trong giai đoạn sắp tới, Bộ KH&CN sẽ cần phải chuẩn bị đầy đủ những tiền đề quan trọng cho phát triển KH&CN của Khu CNC Hoà Lạc, đó là triển khai các Chương trình phát triển KH&CN cho riêng Khu CNC nhằm nâng cao năng lực, thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ của các nhà đầu tư, thu hút nhân tài và xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao phục vụ việc nghiên cứu và phát triển; thúc đẩy hoạt động đổi mới; ươm tạo, đào tạo; chuyển giao, thương mại hóa và phát triển sản phẩm công nghệ cao của các nhà đầu tư trong Khu CNC. Các Chương trình này sẽ lựa chọn, triển khai đầu tư cho những hướng công nghệ, sản phẩm, doanh nghiệp điển hình trong Khu Công nghệ cao, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội, có tính định hướng, có tác dụng lan tỏa và mang tính đột phá lớn.

Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng đặt mục tiêu thu hút được một số dự án lớn trong lĩnh vực nghiên cứu – triển khai và sản xuất công nghiệp công nghệ cao của các Tập đoàn quốc tế vào Khu CNC Hoà Lạc để làm động lực thu hút các dự án đầu tư trong nước và phát triển cơ sở hạ tầng xã hội cho Khu CNC.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Theo VietQ

Rate this post

Leave a Reply