Tiến sĩ Phạm Bảo Yên : Người Việt mình đang sử dụng sai thuốc kháng sinh

Tiến sĩ Phạm Bảo Yên : Người Việt mình đang sử dụng sai thuốc kháng sinh

TS. Phạm Bảo Yên (áo xanh, từ trái sang)

Tiến sĩ Phạm Bảo Yên : Người Việt mình đang sử dụng sai thuốc kháng sinh

Không chỉ là một nhà khoa học nữ với những đề tài có sức ảnh hưởng lớn tới cộng đồng mà Tiến sĩ Phạm Bảo Yên còn là một giảng viên rất tâm huyết.

Là một người luôn cố gắng trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu, vừa qua, ngày 7/3/2017, Tiến sĩ Phạm Bảo Yên đã được Đại học Quốc gia Hà Nội vinh danh là một trong 9 nhà khoa học nữ tiềm năng năm 2017.

Đặc biệt với đề tài “Nghiên cứu cơ chế kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh viêm phổi nhằm phát triển các chỉ thị phân tử phục vụ cho điều trị”, cô Yên được trường hỗ trợ 100 triệu đồng để phát triển sản phẩm đang nghiên cứu.

Là 1 trong 3 nhà khoa học nữ tiềm năng được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu 100 triệu đồng, Tiến sĩ Phạm Bảo Yên – hiện đang làm việc tại Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ Enzym và Protein (trường Đại học Khoa học Tự nhiên) chia sẻ:

Động lực lớn nhất để tôi thực hiện đề tài này xuất phát từ mong muốn tìm hiểu cơ chế, cách kiểm soát, khuyến cáo việc mọi người sử dụng thuốc kháng sinh.

Bởi, tôi nhận thấy ở Việt Nam mọi người sử dụng kháng sinh không có quy định, không có kiểm soát. Đó là việc nhiều người cứ ra hiệu thuốc mua kháng sinh để tự chữa bệnh.

Nhưng việc tự chữa bệnh không theo đúng liều lượng, không đúng hướng dẫn của bác sĩ rất nguy hiểm bởi sẽ rất dễ nảy sinh chủng kháng kháng sinh. Nếu gặp phải tình trạng này sẽ không có thuốc nào chữa trị được, tỷ lệ tử vong cao.

Và hiện nay, khoa học đã tìm ra một loại vi khuẩn kháng toàn bộ các loại kháng sinh và người nhiễm loại vi khuẩn này sẽ tử vong”.

Được biết, đây là đề tài thiết thực, có tính ứng dụng cao, liên quan đến vấn đề rất cấp thiết ở Việt Nam và trên thế giới hiện nay là kháng kháng sinh ở vi khuẩn. Nếu thành công, đề tài này sẽ hỗ trợ cho việc quản lý kháng sinh và tránh nhiễm khuẩn ở bệnh viện.

Và, hiện Bệnh viện phổi Trung ương cũng đang tìm hiểu và mong muốn hợp tác với TS. Yên để cùng nghiên cứu, phát triển đề tài này. Tuy nhiên, để thực hiện được đề tài này buộc vị Tiến sĩ này phải tìm ra cơ chế phát hiện ra loại vi khuẩn đó để báo với bác sĩ hỗ trợ trong việc điều trị.

Bởi theo lý giải của TS. Yên, cùng bị một căn bệnh như cảm cúm hay viêm phổi đều có thể do vi khuẩn gây ra nhưng cũng có thể do virut.

Nếu là virut thì người bệnh hoàn toàn không thể sử dụng kháng sinh để điều trị nhưng nếu bác sĩ vẫn để người bệnh sử dụng là không đúng. Và với những loại vi khuẩn kháng thuốc thì chúng ta không thể sử dụng kháng sinh thông thường.

Chia sẻ về những khó khăn khi nghiên cứu, Tiến sĩ Phạm Bảo Yên cho rằng, khó khăn nhất là việc tìm lấy mẫu.

Bởi thông thường ở các trường đại học trên thế giới đều có bệnh viện trực thuộc, dù Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có bệnh viện nhưng không nhiều người sử dụng (có nghĩa là bệnh viện không tiếp nhận quá nhiều bệnh nhân đặc biệt là những bệnh nhân nhiễm các loại bệnh mà cô Yên có thể lấy mẫu).

Do vậy, người thực hiện đề tài buộc phải tiếp cận các bệnh viện để nghiên cứu mẫu lấy chủng tuy nhiên nếu cô Yên chưa có đề tài thì bản thân không có tư cách pháp nhân yêu cầu bệnh viện lấy mẫu. Chính vì vậy, cô Yên chính thức xin đề tài ở Đại học Quốc gia Hà Nội rồi mời bệnh viện cùng tham gia hợp tác. Chỉ khi đó, bệnh viện mới cung cấp mẫu.

Nói về lý do theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ Phạm Bảo Yên cho biết:

Chính sự tò mò, yêu thích thiên nhiên và các thí nghiệm hoá học là khởi nguồn của quá trình học tập-nghiên cứu của tôi, bắt đầu từ khi vào lớp chuyên Sinh (trường Hà Nội-Amsterdam), tới Bộ môn Sinh lí thực vật-Hoá sinh (Đại học Khoa học tự nhiên), đến Khoa Hoá sinh-Lí sinh (Đại học tiểu bang North Carolina-Chapel Hill, Mỹ) và nơi làm việc bây giờ – Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ Enzyme-Protein (Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội). Năm dấu mốc lớn trong quá trình này có ảnh hưởng lớn tới mục tiêu sự nghiệp của tôi là trở thành nhà nghiên cứu hoá sinh/sinh học phân tử định hướng ứng dụng trong y-dược học có thể truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.

Không chỉ là một nhà khoa học nữ với những đề tài có sức ảnh hưởng lớn tới cộng đồng mà trên giảng đường, Tiến sĩ Phạm Bảo Yên còn là một giảng viên rất tâm huyết với nghề giảng dạy. Những sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh của cô đều đạt được những thành tích cao trong học tập và nghiên cứu.

Theo Giáo Dục Việt Nam

www.tapchisinhhoc.com

5/5 - (2 votes)

Leave a Reply