Xây dựng và áp dụng cơ chế kiểm soát chất lượng từ xa đối với sản phẩm và nguyên liệu ngô

Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ tiêu thụ ngô lớn trên thế giới. Do ngô dùng làm thức ăn chăn nuôi được sản xuất trong nước không đủ để đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng nên hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu với khối lượng lớn từ 6 thị trường chủ yếu là: Hoa Kỳ, Ác-hen-ti-na, Lào, Campuchia, Ấn Độ và Băng-la-đét, trong đó, Ấn Độ là thị trường có lượng ngô nhập khẩu nhiều nhất, chiếm 89,5% trong tổng lượng ngô nhập khẩu của cả nước.

Trong thời gian gần đây, một số lô hàng nhập khẩu, chủ yếu là từ Ấn Độ không đảm bảo chất lượng, gây thiệt hại cho các nhà nhập khẩu, người sử dụng và đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe con người và động vật cũng như tác động xấu đến môi trường sinh thái.

Trước tình hình đó, cần thiết phải nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý chất lượng ngô và nguyên liệu ngô nhập khẩu. Một trong những biện pháp kiểm soát chất lượng và kiểm dịch hiện nay đang được nhiều nước áp dụng là quản lý chất lượng từ xa trên cơ sở áp dụng các quy định kỹ thuật (TBT) và các biện pháp kiểm dịch thực vật phù hợp với quy định của WTO. Quản lý chất lượng từ xa với hàng hóa nhập khẩu đã được một số nước tiên tiến áp dụng, mặc dù vậy, đối với Việt Nam còn khá mới mẻ.

Đề tài Xây dựng và áp dụng cơ chế kiểm soát chất lượng từ xa đối với sản phẩm và nguyên liệu Ngô do ThS. Nguyễn Sỹ Cường thuộc Trường Đào tạo, Bồi dưỡng Cán bộ Công thương TW làm chủ nhiệm được thực hiện nhằm mục đích tập trung làm rõ bản chất, nội dung, quy trình kiểm soát chất lượng từ xa đối với hàng hóa nhập khẩu nói chung và nguyên liệu ngô nhập khẩu làm thức ăn chăn nuôi nói riêng, từ đó, đề xuất các quan điểm và giải pháp hoàn thiện cơ chế kiểm soát chất lượng từ xa ở Việt Nam nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam.

Sau một thời gian thực hiện, đề tài đã thu được một số kết quả chủ yếu, đáng chú ý như sau:
Đã đưa ra được khái niệm, nội dung, quy trình, lợi ích, điều kiện và sự cần thiết của hoạt động kiểm soát chất lượng từ xa đối với hàng hóa nhập khẩu nói chung và kiểm soát chất lượng từ xa đối với nguyên liệu ngô nhập khẩu nói riêng.

Đã giới thiệu và phân tích kinh nghiệm quản lý chất lượng nói chung và quản lý chất lượng từ xa đối với hàng hóa nhập khẩu của một số nước như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và từ đó rút ra những bài học có thể áp dụng cho Việt Nam.

Đã giới thiệu và phân tích các quy định của WTO về TBT (Hàng rào kỹ thuật trong thương mại), SPS (Các biện pháp về kiểm dịch thực vật) nói chung và những quy định có thể áp dụng trong kiểm soát chất lượng từ xa đối với nguyên liệu ngô nhập khẩu.

Đã đánh giá hoạt động kiểm soát chất lượng và kiểm soát từ xa đối với ngô và nguyên liệu ngô nhập khẩu làm thức ăn chăn nuôi trên các khía cạnh: Hoạt động xây dựng, ban hành các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tổ chức bộ máy kiểm soát, tình hình thực thi các nhiệm vụ kiểm soát, năng lực cán bộ và phương tiện kỹ thuật. Từ đó, đề tài đã đưa ra những nhận định về những kết quả đạt được và những hạn chế trong kiểm soát chất lượng từ xa ở Việt Nam.

Đã đề xuất những quan điểm và giải pháp xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát chất lượng từ xa đối với ngô và nguyên liệu ngô nhập khẩu làm thức ăn chăn nuôi. Những giải pháp chủ yếu là: nâng cao nhận thức về kiểm soát chất lượng từ xa; Bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hoàn thiện bộ máy kiểm soát; Tăng cường sự phối hợp của các cơ quan hữu quan; Triển khai hoạt động kiểm soát chất lượng tại nước xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam; Tăng cường công tác thông tin, dự báo, cảnh báo sớm…

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số: 11522/2015) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia./.

Rate this post

Leave a Reply