Đông trùng hạ thảo liệu có tốt như lời đồn?

Đông trùng hạ thảo liệu có tốt như lời đồn?

Đông trùng hạ thảo từ lâu trong y học cổ truyền Trung Quốc vốn đã được coi như một loại “tiên dược” quý hiếm với nhiều công dụng vô cùng tuyệt vời dành cho sức khỏe người dùng. Đặc biệt những năm gần đây, nó đang trở thành một trong những loại thảo dược bồi bổ sức khỏe nổi bật ở nhiều nước châu Á, bên cạnh nhụy hoa nghệ tây (saffron), linh chi, nhân sâm …

Tuy nhiên, thông tin về loại thực phẩm đắt hơn vàng này tương đối mơ hồ, thiếu dẫn chứng khoa học, khiến cho thị trường đông trùng hạ thảo ở Việt Nam trở nên hỗn loạn. Trong bài viết này, chúng tôi mong muốn cung cấp những thông tin khoa học khách quan và nghiêm túc nhất về đông trùng hạ thảo ở thời điểm hiện tại.

Đông trùng hạ thảo là gì? Nguồn gốc tự nhiên từ đâu?

Những ghi chép đầu tiên đến từ Trung Quốc, có lẽ khoảng những năm 620, thuộc thời kỳ cai trị của nhà Đường. Đông trùng hạ thảo (冬虫夏草 – dong chong xia cao) là một khái niệm chỉ sinh vật vừa là động vật (‘trùng’) vừa là thực vật (‘thảo’), hình thành vào mùa đông (đông trùng) và phát triển trưởng thành vào mùa hè (hạ thảo).

Tuy nhiên cách gọi này chưa chính xác với bản chất sinh học của nó. Sẽ không có thực vật nào ở đây cả!

Đông trùng hạ thảo mà chúng ta mua bán, sử dụng là một giai đoạn trong vòng đời của một loại nấm túi (quả thể nấm, chứ không phải thực vật) sau khi chúng ký sinh trên ấu trùng của một loài côn trùng.

Minh họa sự hình thành quả thể nấm Cordycep sinensis

Loại nấm mà chúng ta đang nhắc đến là một loài thuộc chi Cordyceps, thuộc lớp nấm túi 
Ascomycota
.

Tất cả các loài nấm thuộc chi Cordyceps đều đều có đặc điểm chung là lây nhiễm vào côn trùng và phát triển trong cơ thể chúng; các nấm Cordyceps khác nhau sẽ lựa chọn các vật chủ côn trùng khác biệt.

Bào tử nấm sẽ nằm im lìm trong đất cho đến khi chúng gặp được vật chủ của mình. Sau khi đi vào trong vật chủ, chúng phát triển hệ sợi nấm, biến côn trùng thành xác khô trong khi chúng tận dụng sinh khối từ vật chủ trong suốt mùa đông, và hình thành quả thể vào mùa hè.

Vậy tất cả nấm Cordyceps đều là đông trùng hạ thảo?

Câu trả lời là không. Có đến hơn 540 loài nấm Cordyceps đã được báo cáo và chỉ có 2 loại thực sự đúng là “đông trùng hạ thảo”, có giá trị và được sử dụng rộng rãi là Ophiocordyceps sinensis (Berk.) (hay Cordyceps sinensis (Berk.) Sacc.) và Cordyceps militaris (L.) Các loài nấm còn lại, mặc dù hình thức có thể tương tự, chỉ được coi là “trùng thảo”.

Cordyseps sinensis, cordyseps militaris

Hình ảnh của C. militaris (trái, bởi Jose Ramon Pato tại Coruña, España) và C. sinensis (phải, bởi Qi Zhao) ngoài tự nhiên.

Trong hai loại đó, C. sinensis là đắt đỏ nhất và cũng được chào bán rộng rãi nhất không chỉ vì giá trị dinh dưỡng của chúng, mà còn bởi sự quý hiếm – chúng chỉ phát triển ở trên dãy núi Hymalaya thuộc Tây Tạng, Nepal và Bhutan. Loài này còn đặc biệt chỉ ký sinh vào sâu bướm thuộc thuộc chi bướm Thitarodes. Trong khi đó C. militaris phân bố rộng ở nhiều nơi trên thế giới và không chỉ giới hạn ở dãy Hymalaya.

Nấm đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo có tốt không, công dụng của đông trùng hạ thảo

Hình ảnh đông trùng hạ thảo C. sinensis sau khi thu thập và làm sạch

Công dụng của đông trùng hạ thảo ?

Các chất bổ trợ và các sản phẩm có chứa chiết xuất của Cordyceps đã trở nên ngày càng phổ biến do nhiều lợi ích sức khỏe có mục đích của chúng, phần lớn dựa vào các ghi chép truyền thống hoặc truyền miệng. Nhiều nghiên cứu về giá trị và công dụng của đông trùng hạ thảo mới chỉ giới hạn ở các nghiên cứu trên động vật hoặc phòng thí nghiệm, vì vậy các chuyên gia y tế hiện chưa thể đưa ra kết luận về tác dụng của chúng đối với con người.

Tuy nhiên, lợi ích sức khỏe tiềm năng của nấm thảo dược này là đầy hứa hẹn. Bài viết này chỉ ra 6 lợi ích chính của các loại nấm này, dựa trên những bằng chứng khoa học.

Thành phần dinh dưỡng 

Các loài nấm Cordyceps chứa một số lượng lớn các chất được coi là chất dinh dưỡng. Chúng chứa tất cả 18 axit amin thiết yếu; vitamin E, K, B1, B2 và B12; polysaccharides, proteins, sterols, nucleosides, đa lượng cũng như vi lượng (K, Na, Ca, Mg, Fe, Cu, Mn, Zn, Pi, Se, Al, Si, Ni, Sr, Ti, Cr, Ga, V và Zr).

Thành phần hoạt tính chính trong Cordyceps militaris gồm: cordycepin, axit cordycepic (d-mannitol); sterols (β-sitosterol, ergosterol) như là nguồn Vitamin D quan trọng; các nucleosides (adenosine, uracil, và adenine) – thành phần cấu thành ADN, ARN của tế bào; polysaccharides, và SOD (superoxide dismutase) – một enzyme có khả năng phân hủy các superoxide (chất gây độc tế bào). Các nghiên cứu dược lý đã chỉ ra các thành phần hoạt tính này có vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người.

đông trùng hạ thảo có tốt như lời đồn, đông trùng hạ thảo loại nào tốt

Ảnh từ link.springer.com

1. Tăng cường thể lực, hạn chế mệt mỏi

Đông trùng hạ thảo được cho là tăng sản sinh các phân tử adenosine triphosphate (ATP) của cơ thể, trong đó ATP rất cần thiết để cung cấp năng lượng cho cơ bắp. Tương cường ATP có thể cải thiện cách cơ thể sử dụng oxy, đặc biệt là trong khi hoạt động mạnh. Điều này có thể được lý giải là do Adenosine, một loại nucleoside cần để hình thành ATP, có trong đông trùng hạ thảo.

Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm tác động của Cordyceps đối với khả năng tập thể dục trên 30 người trung niên khỏe mạnh sử dụng máy chạy bộ. Những người tham gia đã được dùng 3 gram CS-4 ( một chủng nhân tạo của Cordyceps) mỗi ngày hoặc một viên thuốc giả dược trong 6 tuần.

Vào cuối cuộc nghiên cứu, thể tích oxy tối đa (VO2 max) đã tăng 7% ở những người tham gia đã dùng CS-4, trong khi những người tham gia dùng thuốc giả dược cho thấy không có thay đổi. Trong đó, VO2 max là một giá trị phản ánh mức độ sung sức.

Trong một nghiên cứu tương tự, 20 người lớn tuổi khỏe mạnh đã nhận được 1 gram CS-4 hoặc một viên thuốc giả dược trong 12 tuần. Mặc dù các nhà nghiên cứu không tìm thấy sự thay đổi trong VO2 max ở cả hai nhóm, những người tham gia được cung cấp CS-4 đã cải thiện các chỉ số khác về hiệu suất tập thể dục.

đông trùng hạ thảo tăng cường sức khỏe

Ảnh minh họa, từ birmingham.ac.uk/

Một nghiên cứu cũng đã thử nghiệm tác động của hỗn hợp nấm có chứa Cordyceps đối với hiệu suất tập thể dục ở người trẻ tuổi. Sau ba tuần, chỉ số VO2 max của những người dùng Cordyceps đã tăng 11% so với giả dược.

Tuy nhiên, nghiên cứu hiện tại cho thấy đông trùng hạ thảo không hiệu quả trong việc cải thiện hiệu suất tập thể dục ở các vận động viên đã được đào tạo.

Đông trùng hạ thảo đã được chứng minh là cải thiện khả năng thể lực ở người già và người trẻ tuổi, nhưng chưa thấy kết quả ở các vận động viên đã qua đào tạo chuyên nghiệp.

2. Cải thiện chức năng sinh lý và chống lão hóa

Theo dân gian, người cao tuổi sử dụng đông trùng hạ thảo có thể giảm mệt mỏi và tăng cường sức mạnh cũng như ham muốn tình dục. Các nhà nghiên cứu tin rằng hàm lượng chất chống oxy hóa trong loại nấm này có thể giải thích tiềm năng chống lão hóa của nó.

Chất chống oxy hóa là các phân tử chống lại tổn thương tế bào bằng cách trung hòa các gốc tự do, có thể dẫn đến lão hóa và góp phần gây bệnh.

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chất chống oxy hóa trong đông trùng hạ thảo giúp cải thiện trí nhớ và chức năng tình dục khi thử nghiệm trên chuột già.

Một nghiên cứu cho thấy những con chuột được cho ăn đông trùng hạ thảo đã sống lâu hơn vài tháng so với những con chuột được dùng giả dược. Một nghiên cứu khác cho thấy dịch chiết Cordyceps giúp kéo dài tuổi thọ của ruồi giấm, củng cố niềm tin rằng loại nấm quý này có khả năng chống lão hóa.

Tuy nhiên, vẫn chưa biết liệu Cordyceps có những lợi ích chống lão hóa tương tự ở người hay không.

Nghiên cứu trên chuột cho thấy đông trùng hạ thảo có đặc tính chống lão hóa. Mặc dù những phát hiện này rất hứa hẹn, nhưng chưa thể kết luận liệu có đúng trên con người hay không.

3. Tiềm năng chống ung thư

Tiềm năng của đông trùng hạ thảo trong việc làm chậm sự phát triển của khối u đã nhận được sự quan tâm đáng kể trong những năm gần đây. Các nhà nghiên cứu tin rằng loại nấm này có thể phát huy tác dụng chống khối u theo nhiều cách.

Trong các nghiên cứu in vitro, đông trùng hạ thảo đã được chứng minh là có tác dụng ức chế sự phát triển của nhiều loại tế bào ung thư ở người, bao gồm ung thư phổi, ruột kết, ung thư da, đại trực tràng và gan.

Các nghiên cứu trên chuột cũng chỉ ra rằng đông trùng hạ thảo có tác dụng chống khối u đối với ung thư hạch, u hắc sắc tố và ung thư phổi.

Điều này được cho là dựa vào một thành phần quan trọng trong nấm, là Cordycepin (3′-deoxyadenosine), một dẫn xuất của Adenosine. Cordycepin ức chế sự tăng trưởng khối u thông qua việc kích thích sự tự chết (apoptosis) của tế bào ung thư, gây trì hoãn chu kỳ tế bào và tấn công các tế bào gốc ung thư. Crodycepin cũng điều hòa vi môi trường khối u từ đó ức chế sự di căn.

Đông trùng hạ thảo cũng có thể đảo ngược các tác dụng phụ liên quan đến nhiều hình thức trị liệu ung thư. Một trong những tác dụng phụ có thể kể đến là giảm bạch cầu.

Không nên nhầm lẫn với các bệnh ung thư máu, giảm bạch cầu là tình trạng số lượng tế bào bạch cầu (tế bào miễn dịch) giảm, làm giảm khả năng phòng vệ của cơ thể và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Một nghiên cứu đã thử nghiệm tác dụng của đông trùng hạ thảo đối với những con chuột bị giảm bạch cầu sau khi xạ trị và điều trị bằng Taxol, một loại thuốc hóa trị phổ biến. Như đã nói trên, Cordyceps đã cải thiện những tình trạng này. Những kết quả cho thấy loài nấm bí truyền này có thể giúp giảm các biến chứng liên quan đến một số phương pháp điều trị ung thư.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là những nghiên cứu này được thực hiện trên động vật và trong ống nghiệm chứ không phải ở người.

Các nghiên cứu in vitro và trên mô hình động vật cho thấy đông trùng hạ thảo có thể có khả năng hỗ trợ điều trị ung thư, cũng như cải thiện một số tác dụng phụ của các phương pháp điều trị ung thư. Tuy nhiên, những hiệu ứng này chưa được thể hiện ở người, và cần nhiều nghiên cứu hơn.

4. Có thể giúp kiểm soát bệnh tiểu đường type 2

Đông trùng hạ thảo chứa một loại đường đặc biệt có thể giúp điều trị bệnh tiểu đường.

Bệnh tiểu đường là một bệnh mà cơ thể không sản xuất hoặc đáp ứng với hoóc-môn insulin, một hoóc-môn có vai trò điều hòa đường huyết.

Điều thú vị là thành phần trong đông trùng hạ thảo có thể giữ lượng đường trong máu ở một giới hạn lành mạnh bằng cách bắt chước hoạt động của insulin.

Trong một số nghiên cứu trên chuột mắc bệnh tiểu đường, Cordyceps đã được chứng minh là làm giảm lượng đường trong máu.

Một số bằng chứng cho thấy rằng nó cũng có thể bảo vệ chống lại bệnh thận, một biến chứng phổ biến của bệnh tiểu đường.

Trong một bài tổng quan phân tích 22 nghiên cứu bao gồm 1.746 người mắc bệnh thận mãn tính, những người dùng thực phẩm bổ sung đông trùng hạ thảo đã cho thấy sự cải thiện chức năng thận.

Tuy nhiên, những kết quả này không có ý nghĩa kết luận. Các tác giả của bài tổng quan cho biết rằng nhiều nghiên cứu có chất lượng thấp. Do đó, không có kết luận nào có thể được đưa ra về tác dụng của đông trùng hạ thảo đối với chức năng thận ở người mắc bệnh thận mãn tính.

Nồng độ đường trong máu tăng cao thường gặp ở những người mắc bệnh tiểu đường không kiểm soát được và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nghiên cứu trên động vật cho thấy đông trùng hạ thảo có thể có tiềm năng điều trị bệnh tiểu đường

5. Lợi ích tiềm năng đối với sức khỏe tim mạch

Trên thực tế, đông trùng hạ thảo được chấp thuận ở Trung Quốc để điều trị rối loạn nhịp tim, một tình trạng mà tim đập quá chậm, quá nhanh hoặc không đều.

Một nghiên cứu cho thấy loại nấm này làm giảm đáng kể tổn thương tim ở chuột mắc bệnh thận mãn tính. Tổn thương tim do bệnh thận mãn tính được cho là làm tăng nguy cơ suy tim, do đó, giảm những tổn thương này có thể giúp tránh kết cục không mong muốn.

Các nhà nghiên cứu giải thích hiện tượng này là do hàm lượng adenosine trong đông trùng hạ thảo thông qua việc tăng cường kích hoạt các thụ thể adenosine.

LDL-cholesteron, một loại chất béo, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim do sự tích tụ trong động mạch. Triglyceride, một loại chất béo khác khi tồn tại trong máu ở nồng độ cao cũng có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn.

Nghiên cứu trên động vật cho biết rằng C. militaris làm giảm LDL cholesteron cũng như lượng triglyceride.

Lại một lần nữa đáng tiếc rằng không đủ bằng chứng để xác định liệu Cordyceps có lợi cho sức khỏe tim của con người hay không.

Đông trùng hạ thảo có thể có lợi cho sức khỏe của tim bằng cách giúp ngăn ngừa chứng loạn nhịp tim và giảm mức độ chất béo trung tính cũng như cholesterol xấu.

6. Khả năng chống viêm

Đông trùng hạ thảo được cho là giúp chống viêm trong cơ thể.

Mặc dù một số phản ứng viêm là tốt, viêm quá mức có thể dẫn đến các vấn đề tiêu cực như bệnh tim và ung thư.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi các tế bào của con người tiếp xúc với dịch chiết một số nấm Cordyceps, các protein gây viêm trong cơ thể sẽ bị ức chế.

Nhờ những tác dụng tiềm năng này, các nhà nghiên cứu tin rằng Cordyceps có thể trở thành một chất bổ sung hoặc thuốc chống viêm tự nhiên hữu ích.

Trên thực tế, đông trùng hạ thảo đã được chứng minh là làm giảm viêm trong đường hô hấp của chuột, khiến dược liệu này trở thành một liệu pháp tiềm năng cho bệnh hen suyễn. Tuy nhiên, loại nấm này dường như kém hiệu quả hơn so với các loại thuốc chống viêm thường được sử dụng.

Đông trùng hạ thảo cũng có thể có công dụng tại chỗ. Một nghiên cứu cho thấy nó làm giảm viêm da trên chuột khi bôi tại chỗ, càng chứng minh tính chất chống viêm của nó.

Các đặc tính chống viêm tiềm năng của Cordyceps vẫn chưa được quan sát thấy ở người.

Nghiên cứu cho thấy dịch chiết một số nấm trùng thảo làm giảm các dấu hiệu viêm ở động vật. Tuy nhiên, tác dụng của chúng đối với chứng viêm ở người vẫn cần khảo sát thêm.

Một số tác dụng phụ có thể có khi sử dụng đông trùng hạ thảo 

Tiêu thụ đông trùng hạ thảo được coi là an toàn khi dùng đường uống và trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, chúng cũng có thể có một số tác dụng phụ nếu sử dụng không đúng cách. Dưới đây là một số tác dụng phụ phổ biến nhất của đông trùng hạ thảo.

Khó chịu đường tiêu hóa: Một trong những tác dụng phụ phổ biến của đông trùng hạ thảo bao gồm khó chịu ở đường tiêu hóa, có thể xuất hiện dưới dạng buồn nôn, tiêu chảy, khô miệng và đau dạ dày.

Hạ đường huyết: Nó có khả năng hạ thấp mức đường trong máu, vì thế đông trùng hạ thảo bị chống chỉ định cho những người bị hạ đường huyết. Nếu dùng insulin cho bệnh tiểu đường, cần phải thận trọng điều chỉnh liều lượng để tránh các biến chứng có thể xảy ra. Tóm lại, bệnh nhân tiểu đường dùng thuốc hoặc những người bị hạ đường huyết nên cân nhắc khi sử dụng sản phẩm này.

Ảnh hưởng nội tiết tố: Nếu bị bất kỳ bệnh nhạy cảm với nội tiết tố như ung thư tuyến tiền liệt hay ung thư vú, nên tránh dùng đông trùng hạ thảo. Đông trùng hạ thảo tăng sản xuất testosterone và estrogen có thể không tốt đối với các bệnh trên.

Rối loạn chảy máu: Đông trùng hạ thảo làm chậm hoạt động đông máu trong máu. Do đó, uống đông trùng hạ thảo có thể làm tăng nguy cơ chảy máu ở những người bị rối loạn chảy máu. Ngoài ra, bệnh nhân trải qua phẫu thuật nên ngừng ăn đông trùng hạ thảo, 2 tuần trước phẫu thuật và cũng nên tránh 2 tuần sau phẫu thuật.

Bệnh tự miễn: Vì đông trùng hạ thảo làm tăng chức năng miễn dịch, không nên dùng cho những người bị rối loạn tự miễn – nó có thể làm tăng các triệu chứng của bệnh và gây bùng phát.

C. sinensisC. militaris, đông trùng hạ thảo loại nào tốt hơn?

Nói về độ quý hiếm thì đông trùng hạ thảo C. sinensis (Cs) rõ ràng hơn C. militaris (Cm) do Cs chỉ mọc ở những dãy núi cao thuộc Hymalaya, trong khi Cm thì phân bố rộng hơn nhiều. Tuy nhiên vì bản chất “dễ tính” của Cm mà nó là loài phù hợp để nuôi tạo và thương mại hóa hơn Cs.

Một số nghiên cứu đã báo cáo rằng sản phẩm của Cm chứa các chất có hoạt tính với hàm lượng cao hơn sản phẩm của Cs.

Trong một nghiên cứu so sánh về tác động chống oxy hóa (Yu 2006), dịch chiết Cm từ nuôi cấy cho thấy hiệu quả chống oxy hóa cao hơn, thành phần các chất có hoạt tính sinh học cordycepin & adenosine cao hơn, lượng polyphenolic, flavonoid đều cao hơn dịch chiết từ Cs. Kim (2005) cũng thấy nồng độ cao hơn của exopolysaccharides và cordycepin ở C. militaris so với C. sinensis trong môi trường nuôi hệ sợi.

Li (2001) còn báo cáo rằng hoạt tính chống oxy hóa rất mạnh trong Cordyceps và hoạt tính trong hệ sợi nuôi cấy là tương đương hoặc cao hơn với dạng tự nhiên.

Cordyceps militaris, nuôi trồng đông trùng hạ thảo

C. militaris có thể phát triển tốt trong môi trường nuôi cấy

Xem thêm: 

Cách dùng đông trùng hạ thảo?

Có khá nhiều cách sử dụng đông trùng hạ thảo, dựa theo dân gian, được cho là sẽ mang lại hiệu quả cao nhất; có thể tham khảo tại dongtrung-hathao.com như sau:

Cách 1: Đông trùng hạ thảo hầm gà (hoặc vịt, bồ câu, chim cút)

– Nguyên liệu: 5-10g đông trùng hạ thảo, 1 con gà mái (1500g), 15g bột ngọt, 30g tiêu xanh, 30g gừng, 10g muối ăn, 100ml rượu vang, 2000ml nước.

– Phương pháp: Gà được làm sạch và loại bỏ nội tạng, sau đó cho các thành phần còn lại vào và đun lửa nhỏ trong vòng 2 giờ (có thể sử dụng nồi áp suất để rút ngắn quá trình hầm) là có thể sử dụng được.

Cách dùng đông trùng hạ thảo, sử dụng đông trùng hạ thảo đúng cách

Cách 2: Đông trùng hạ thảo hầm baba

– Nguyên liệu: Ba ba 1 con (bỏ đầu, chia thành 4 miếng), đông trùng hạ thảo 10g, đại táo 10 quả (bỏ hột), hành (cắt đoạn), gừng (thái phiến), tỏi (đập dập) và gia vị vừa đủ.

– Chế biến: Ba ba cho vào nồi luộc sôi rồi vớt ra, cắt rời 4 chân, bóc bỏ mỡ ở chân, rửa sạch, cho vào bát cùng với đông trùng hạ thảo, đại táo, gừng, hành, tỏi và gia vị rồi hấp cách thủy trong 2 giờ. Ăn trong ngày.

Cách 3: Đông trùng hạ thảo ngâm rượu

– Nguyên liệu: 50g đông trùng hạ thảo ngâm với 1.5 lít rượu trắng.

– Phương pháp: Ngâm đông trùng hạ thảo trong rượu khoảng 20-30 ngày, sau khoảng thời gian trên có thể dùng mỗi ngày từ 15-20ml .

Cách 4: Đông trùng hạ thảo hãm kiểu uống trà

– Dùng khoảng từ 1-2g đông trùng hạ thảo ngâm trong cốc nước nóng 60-70oC khoảng 5 phút và uống rồi nhai hết cả xác.

Cách sử dụng đông trùng hạ thảo, pha trà bằng đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo có tốt như lời đồn, đông trùng hạ thảo loại nào tốt

Cách 5: Đông trùng hạ thảo nghiền bột nấu cháo

– Dùng từ 1-2g đông trùng hạ thảo xay nhuyễn và rắc lên bát cháo (hoặc có thể hầm cháo với những thực phẩm khác).

Đề phòng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng

Do những giá trị đối với sức khỏe (dù chỉ là được truyền miệng hay một phần đã được nghiên cứu) và độ quý hiếm của đông trùng hạ thảo mà nó giờ đây trở thành một thị trường sôi nổi. Những kẻ gian có thể làm giả hoặc trà trộn các sản phẩm kém chất lượng, người mua cần trang bị ít nhiều kiến thức để tránh tiền mất tật mang:

– Mua phải trùng thảo, không phải Đông Trùng Hạ Thảo: Như đã nói trên, hơn 500 loài trùng thảo Cordyceps sp. chỉ có hai loài Cordyceps sinensisCordyceps militaris là thực sự có giá trị dược liệu và đang được nghiên cứu, phát triển nhiều.

Cordyseps sinensis, cordyseps militaris, cordiceps sp., Cordyseps sinensis, cordyseps militaris, cordiceps sp.,

Nhiều loài Cordyceps khác cũng ký sinh trên côn trùng và có thể có hình dạng rất giống đông trùng hạ thảo

– Tình trạng hàng giả, hàng nhái: Làm giả bằng thân củ địa tàm và thạch thảo rồi cắm cỏ vào. Hoặc làm bằng bột ngô, thạch cao, bột mạch, con sâu chít… rất khó phân biệt.

– Mua ở nơi không có trình độ chuyên môn: Cá nhân hoạt động, bán hàng online không có bất cứ kiến thức chuyên môn nào về đông trùng hạ thảo. Khi mua hàng có vấn đề hay muốn tư vấn về thể trạng bệnh cũng không thể

Dưới đây là một số ảnh minh họa mánh khóe của gian thương nhằm là nâng cao lợi nhuận, người mua cần cẩn trọng.

Đông Trùng Hạ Thảo là gì? Các chọn mua đông trùng hạ thảo

Lời kết

Đông trùng hạ thảo từ lâu đã được dùng trong y học cổ truyền Trung Hoa. Tuy nhiên, những vai trò hay công dụng của đông trùng hạ thảo chưa được FDA (Cơ quan thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ) công nhận.

Chúng là một số loại nấm phức tạp có nhiều tiềm năng năng sinh học, có công dụng điều hoà miễn dịch, chống khối u, chống viêm, chống hoạt tính oxi hoá. Tuy nhiên, nên nhớ rằng tất cả những tiềm năng này là đến từ các phân tích hóa sinh và các thử nghiệm in vitro, trên mô hình động vật, chứ chưa được kết luận trên người.

Ở Việt Nam, một số sản phẩm từ đông trùng hạ thảo đã được Bộ Y tế cấp phép dưới danh mục thực phẩm chức năng, chứ chưa được công nhận là thuốc. Người mua hàng nên tỉnh táo và cẩn trọng trong việc chọn mua sản phẩm này, tránh việc quá tin vào những lời quảng cáo về khả năng chữa bách bệnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Đông Trùng Hạ Thảo (Wikipedia)
  • Cordyceps (Wikipedia)
  • Cordyceps as an Herbal Drug
  • Cordyceps – Overview Information
  • Molecules. 2019 Jun 14;24(12). PMID: 31207985
  • Ann Transl Med. 2019 Jul;7(Suppl 3):S78. PMID: 31576287
  • Phytother Res. 2019 Oct 31. PMID: 31667949
  • Foods. 2019 Nov 19;8(11). PMID: 31752388
  • Saudi J Biol Sci. 2019 Nov;26(7):1352-1357. PMID: 31762595

tapchisinhhoc.com

*** Các đơn vị xuất và phân phối Đông Trùng Hạ Thảo tại Việt Nam vui lòng ghi rõ nguồn bài viết thuộc bản quyền của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Quốc tế HVBIOTEK. Hotline: 0987.666.081

Rate this post