Máu hiến tình nguyện, vì sao người bệnh phải trả phí?

Hiến máu tình nguyện, vì sao người bệnh phải trả phí?

Theo TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, chi phí một đơn vị máu hiện tại được BHYT chi trả 700 nghìn đồng, trong khi một đơn vị máu từ khi lấy máu, xử lý, truyền cho người bệnh, chi phí thực là 2 triệu đồng.

Thời gian gần đây, có sự vào cuộc của cộng đồng, lượng máu hiến tình nguyện đang tăng lên. Thay vì chỉ 30 – 50 đơn vị mỗi ngày, nay đã nhận được 300 – 500 đơn vị máu.

“Đây là một điều rất quý báu với người bệnh, với bác sĩ bởi nguồn máu hiến tình nguyện trong cộng đồng đang gia tăng. Tuy nhiên hiện nay, tỉ lệ người hiến chủ yếu vẫn là học sinh, sinh viên. Chúng tôi mong muốn sẽ ngày có nhiều các đối tượng khác nhau trong xã hội tham gia hiến máu. Vì thế, việc hiến máu không chỉ được thực hiện tại Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư mà sẽ xây dựng thêm nhiều điểm hiến máu di động, trong bất cứ thời gian nào để người dân có điều kiện đi hiến máu bất cứ lúc nào”, TS Khánh nói.

hiến máu tình nguyện

TS. Bạch Quốc Khánh – Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (ảnh: Công Thắng)

Tiến tới, cần chăm sóc người hiến máu như khách hàng, để đưa tỉ lệ người hiến máu nhắc lại tăng lên. Nếu một người hiến máu nhắc lại một lần mỗi năm thì sẽ giảm tình trạng khan hiếm máu, góp phần đảm bảo tính bền vững của phong trào hiến máu tình nguyện.

Liên quan đến chi phí truyền máu, TS Khánh giải thích thêm, một đơn vị máu tươi không thể lấy rồi truyền trực tiếp ngay cho người bệnh mà cần rất nhiều khâu đi kèm và kéo theo đó là chi phí. Không tính chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng, vì một đơn vị máu hiến cần một bộ 4 bịch chứa máu/người hiến (với chi phí ít nhất 20 USD); chi phí xét nghiệm phân tử sàng lọc HIV ít nhất là 1,2 triệu đồng/đơn vị máu để giúp rút ngắn thời gian cửa sổ từ 24-30 ngày xuống còn 7 ngày để tăng an toàn truyền máu; các chi phí xét nghiệm viêm gan B, viêm gan C, HPV…

Bên cạnh đó, máu sẽ được bảo quản, lưu trữ với trang thiết bị chuyên dụng, mỗi loại chế phẩm máu sẽ được bảo quản ở điều kiện nhiệt độ và thiết bị khác nhau. Ngoài ra, còn các chi phí như vận chuyển, hóa chất, sinh phẩm dùng để xét nghiệm hòa hợp trước khi truyền máu…

Ngoài ra còn các chi phí liên quan đến vận động hiến máu là một khoản rất lớn; chi phí quà, suất ăn, đi lại cho người hiến với tổng gần 250.000 đồng. Nếu cộng vào tất cả thì 1 bịch máu đến tay bệnh nhân lên tới hơn 2 triệu đồng, nhưng hiện BHYT và người bệnh chỉ phải trả khoảng 700.000 đồng.

Vì thế, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước thì người bệnh vẫn phải trả một phần chi phí cho truyền máu. Đối với những bệnh có bảo hiểm y tế, bảo hiểm sẽ chi trả theo bảo hiểm, còn đối với những bệnh nhân thuộc diện nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được nhà nước chi trả toàn bộ.

Theo Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương

tapchisinhhoc.com

 

 

4.2/5 - (6 votes)