Xuyên Tâm Liên – Vị thuốc cổ truyền hỗ trợ điều trị COVID-19 thể nhẹ

Mới đây, Xuyên Tâm Liên đã được Bộ Y tế Việt Nam chính thức đưa vào phác đồ điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 ở một số điều kiện nhất định. Hoạt chất chiết xuất từ Xuyên Tâm Liên có tính kháng sinh tự nhiên nên đây là vị thuốc đã từng được sử dụng nhiều trước đây để chữa cảm cúm, viêm họng, sốt, nhiễm trùng, thanh nhiệt, giải độc… Bài viết sau đây sẽ cùng tìm hiểu thông tin chi tiết về vị thuốc hữu ích này.

Xuyên Tâm Liên - Andrographis paniculata

Tổng quan về Xuyên Tâm Liên

Xuyên tâm liên có tên khoa học là Andrographis paniculata (Burm.f.) Nees., họ Ô rô (Acanthaceae).

Andrographis paniculata là cây nhiệt đới có tính hàn, vị đắng, có nguồn gốc từ Ấn Độ và Sri Lanka, được di thực và trồng phổ biến ở Nam Á, Đông Nam Á, miền nam Trung Quốc, khu vực Caribe, Trung Mỹ, Australia và châu Phi.

Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ là những nơi trồng nhiều nhất. Tại Việt Nam, loại cây này còn được gọi là công cộng, hùng bút, nguyên cộng, lam khái liên, cây lá đắng, khô đảm thảo, nhất kiến kỷ…

Đặc điểm sinh học

Cây mọc thẳng đứng đến chiều cao khoảng 30–110 cm ở những nơi ẩm ướt, râm mát. Thân mảnh màu xanh đậm, nhiều đốt, hình vuông, mặt cắt ngang có rãnh dọc, cánh dọc các góc.

Các lá hình mũi mác có phiến không lông dài tới 8 cm x 2,5 cm.

Hoa nhỏ màu hồng, đơn độc, xếp thành xim hay chùy lan rộng. Quả là một quả nang dài khoảng 2 cm và rộng vài mm. Bên trong chứa nhiều hạt màu vàng nâu. Hạt có dạng phụ, dạng thảm và dạng băng.

Thời gian ra hoa từ tháng 9 đến tháng 12.

nụ hoa Xuyên Tâm Liên

Đặc điểm phân bố

Xuyên Tâm Liên có ở Ấn Độ, phân bố nhiều nước ở châu Á nhiệt đới như Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Philippines và những nơi khác, các nhà dược học cũng tìm thấy chúng ở châu Phi và Nam Mỹ.

Cây mọc từ hạt vào khoảng tháng 4 hoặc đầu tháng 5, sinh trưởng nhanh trong mùa xuân – hè. Khi cây sắp ra hoa, lá nhỏ dần và rụng sớm.

Thu hái, chế biến, bảo quản

Bộ phận dùng: Toàn bộ cây, bao gồm cả phần lá, thân và rễ

Thu hái: Xuyên tâm liên được thu hoạch quanh năm. Cụ thể, lá và thân thu hoạch vào mùa hè, rễ vào mùa đông

Chế biến: Sau khi hái, rửa sạch, cắt ngắn. Có thể dùng ngay dạng tươi hoặc phơi khô

Bảo quản: Nơi kín gió, khô ráo

Thành phần hóa học

Các hoạt chất có trong Xuyên tâm liên là Diterpen lacton và Flavonoid. Diterpen lacton gồm Andrographolide (AND), neoandrographolide (NEO) và các dẫn xuất.

Andrographolide là hoạt chất chính và là một diterpenoid được phân lập từ thân và lá của Andrographis paniculata.

Andrographolide đã được nghiên cứu về tác dụng đối với tín hiệu tế bào, điều hòa miễn dịch và đột quỵ. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng andrographolide có thể liên kết với một loạt các protein đích bao gồm NF-κB và actin bằng cách biến đổi cộng hóa trị.

Cấu trúc hóa học của andrographolide

Đặc điểm dược học của Xuyên Tâm Liên

  • Tính vị: Tính hàn, vị đắng
  • Quy kinh: Đi vào 2 kinh Phế và Can

Theo kinh nghiệm dân gian dược liệu Xuyên tâm liên thường được dùng dưới dạng thuốc sắc.

Trong những năm gần đây các nhà nghiên cứu đã bào chế ra các dạng thuốc khác nhau như viên nén, bột thuốc, cao thuốc…

Tác dụng chữa bệnh của Xuyên Tâm Liên

Xuyên tâm liên đã được Viện Dược liệu Việt Nam nghiên cứu và sử dụng từ năm 1980, được dùng trong y học cổ truyền để chữa nhiều chứng bệnh như chống viêm, hạ sốt, thải trừ chất độc, chữa các bệnh liên quan đến viêm đường hô hấp, tiêu chảy, kiết lỵ.

Hoạt chất chính trong Xuyên tâm liên đã được chứng minh là andrographolid và các hợp chất diterpen lacton khác với nhiều tác dụng: kháng khuẩn, ức chế sự sao chép của HIV, ức chế sự phát triển của khối u, ngăn chặn sự phát triển của một số loại tế bào ung thư, thay thế kháng sinh (streptomycin hoặc pyrazinamid) trong phác đồ điều trị lao.

Theo y học cổ truyền

Y học cổ truyền Việt Nam xếp xuyên tâm liên thuộc nhóm thuốc thanh nhiệt, giải độc, vị đắng, tính hàn, hoạt huyết, tiêu thũng chỉ thống…

Y học cổ truyền từ lâu đã dùng xuyên tâm liên để chữa các bệnh về hô hấp như cảm sốt, cúm, trị ho, viêm họng, sưng amidan, viêm phế quản – phổi.

Tính kháng sinh tự nhiên của xuyên tâm liên được đánh giá rất cao nhờ công dụng giảm đau, tăng đề kháng, không để lại tác dụng phụ như các loại kháng sinh thông thường.

Nhờ đặc tính kháng vi khuẩn, virus phổ rộng, xuyên tâm liên cũng có hiệu quả tốt trong điều trị nhiều bệnh lý nhiễm trùng ở các cơ quan khác, như viêm đường tiết niệu, viêm âm đạo, khí hư, viêm nhiễm đường ruột. Ngoài ra còn được sử dụng trong điều trị các bệnh về gan, sốt, tiêu chảy cấp tính, tăng huyết áp, thủy đậu, bệnh phong, sốt rét, đắp ngoài hoặc làm nước tắm chữa mụn nhọt, ghẻ lở….

Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu dược học Đỗ Tất Lợi  cũng đã có ghi chép về khả năng dùng vị thuốc Xuyên Tâm Liên để chữa đau nhức xương khớp và trị rắn cắn.

Tài liệu ghi chép cổ của Trung Quốc, xuyên tâm liên có tác dụng thanh nhiệt thải độc giúp điều trị các bệnh đường hô hấp, đường tiết niệu, viêm da, dạ dày, viêm họng,…

Ngoài ra, dựa vào kinh nghiệm dân gian, xuyên tâm liên thường dùng làm thuốc bổ cho phụ nữ sau sinh, bế kinh nguyệt. Đồng thời, vị thuốc này còn được dùng chữa các bệnh viêm nhiễm do vi rút, vi khuẩn gây ra trên tất cả các bộ phận cơ thể, ngay cả bệnh cấp hay mạn tính.

Trong hệ thống y học Ayurvedic, các cư dân của Tamilnadu, Ấn Độ, sử dụng loại thảo mộc này cho nhiều loại bệnh như đau bụng kinh, leucorrhoea, chăm sóc trước – sau khi sinh; một số bệnh phức tạp như sốt rét, vàng da, lậu và chữa lành vết thương, vết cắt, nhọt, bệnh ngoài da…

Theo y học hiện đại

Xuyên tâm liên có tác dụng kháng vi sinh vật (vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng), chống viêm, chống oxy hóa, chống ung thư… được dùng để điều trị các bệnh về gan, sốt, cảm lạnh thông thường, tiêu chảy cấp tính, tăng huyết áp, thủy đậu, bệnh phong, sốt rét, viêm nhiễm, tiểu đường…

Một số nghiên cứu y học hiện đại đã công bố tác dụng có lợi của cây xuyên tâm liên đối với sức khỏe.

Một thử nghiệm đối chứng của Burgos và các cộng sự của ông cho biết, xuyên tâm liên giúp giảm nhanh các triệu chứng của bệnh cảm cúm như mệt mỏi, sổ mũi, sốt, đau cổ họng và nhức đầu. Sử dụng khoảng 1200 mg xuyên tâm liên tươi mỗi ngày (tương đương 5 – 6 gram bột khô), chỉ sau 4 ngày dùng, triệu chứng bệnh sẽ thuyên giảm rõ rệt.

Một dẫn chất của andrographolide tan trong nước là sản phẩm cộng với Na bisulflt được dùng làm thuốc hạ sốt.

Một nghiên cứu khác của Thụy Điển cũng chứng minh xuyên tâm liên mang lại tác dụng trị liệu tốt đối với các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp do vi khuẩn, vi rút gây ra. Cụ thể, các hoạt chất chiết xuất từ vị thảo dược này có tính kháng khuẩn, chống viêm giúp giảm nhanh triệu chứng và rút ngắn thời gian điều trị bệnh cảm cúm, viêm màng não, cúm gà và sốt xuất huyết.

Tác dụng điều trị virus SARS-CoV-2

Xuyên tâm liên có các tác nhân kích thích miễn dịch và kháng vi-rút tự nhiên, một số trong số đó có thể hoạt động để khôi phục sự cân bằng miễn dịch hoặc cân bằng nội môi.

Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu, dễ bị nhiễm COVID 19 hơn do hệ thống miễn dịch đã bị tổn thương. Trong trường hợp này, điều quan trọng là phải nâng cao khả năng miễn dịch của các đối tượng để giảm thiểu khả năng lây nhiễm virus. Qua nghiên cứu, andrographolide và 14-deoxy-11,12-didehydroandrographolide có khả năng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch.

Tại Ấn Độ, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học của Cao đẳng Dược JSS cho thấy thành phần hóa học của xuyên tâm liên (andrographolide và dihydroxy dimethoxy flavone) có tác dụng chống lại Covid-19 nhờ ức chế enzym protease chính của virus SARS-CoV-2.

Tại Malaysia, các thử nghiệm lâm sàng có đối chứng cho thấy phương pháp điều trị sử dụng A. paniculata an toàn và hiệu quả đối với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính như cảm lạnh thông thường và viêm xoang. Do đó, vị thuốc A. paniculata, chủ yếu là hoạt chất andrographolide, có thể được coi là một ứng cử viên tuyệt vời cho việc phát triển thuốc kháng khuẩn. Các vi khuẩn xâm nhập của con người ngày càng kháng lại các loại kháng sinh có sẵn vì nhiều lý do. Vì A. paniculata hoạt động trên cơ chế điều hòa miễn dịch, nên có ít khả năng xảy ra tình trạng kháng thuốc hơn.

Tại Trung Quốc, trong quá trình đẩy lùi đại dịch COVID-19 đã thực hiện chương trình khuyên dùng xiyanping tiêm để điều trị lâm sàng COVID-19. Xiyanping là một chế phẩm chống viêm, kháng virus được phát triển và cấp phép sử dụng ở Trung Quốc. Đây là một sản phẩm tiêm bán tổng hợp có nguồn gốc từ thành phần hoạt tính của cây Xuyên tâm liên gồm 9-dehydro-17-hydro-andrographolide và natri 9-dehydro-17-hydro-andrographolide-19-yl sulfate. Bài báo của nhóm tác giả thuộc Tasly Pharmaceutical Group Co. Thiên Tân, Trung Quốc (2020) đã tóm tắt tác dụng dược lý và ứng dụng lâm sàng của andrographolide Xuyên tâm liên, đồng thời khẳng định các công năng thanh nhiệt và giải độc, kháng sinh và chống viêm, có tác dụng điều trị rõ ràng đối với các bệnh hô hấp bao gồm viêm phổi, viêm đường hô hấp trên do vi khuẩn, virus dựa trên một số lượng lớn dữ liệu lâm sàng đã được tích lũy. Andrographolide có tác dụng kháng virus tiềm năng trong việc điều trị COVID-19 và có thể làm giảm mức độ viêm ở bệnh nhân, cải thiện các triệu chứng hô hấp, ức chế virus và cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể… với tính an toàn cao.

Ngoài ra, andrographolide còn có tác dụng bảo vệ gan và có giá trị lâm sàng để điều trị các bệnh tim mạch, đồng thời có tác dụng bảo vệ đối với tổn thương gan, tim mạch do một số thuốc chống COVID-19 khác. Qua đây, có thể thấy việc điều trị COVID-19 bằng andrographolide phù hợp với lý thuyết của y học cổ truyền về vị thuốc Xuyên tâm liên.

Vừa qua một số nước đã đưa Xuyên tâm liên vào điều trị bệnh nhân Covid-19 cho thấy hiệu quả trên những người ít triệu chứng, thể nhẹ.

Tại Thái Lan, tác dụng chống COVID-19 của Xuyên tâm liên đã được khẳng định hơn khi cuộc thử nghiệm lâm sàng đầu tiên đã được Viện Nghiên cứu y học cổ truyền Thái Lan (2020) tiến hành trên những bệnh nhân đã biểu hiện triệu chứng nhiễm COVID-19 nhẹ như đau họng, nhức đầu, ho hay sổ mũi.

Người bệnh được cho uống 180 mg Xuyên tâm liên/ngày, chia đều làm 3 lần vào lúc 6 giờ sáng, 2 giờ chiều và 10 giờ tối, uống liên tục trong 5 ngày. Cuộc thử nghiệm cho kết quả khả quan, trong vòng 3 ngày kể từ khi sử dụng Xuyên tâm liên tình trạng sức khỏe của các tình nguyện viên mắc COVID-19 đều được cải thiện.

viên nang xuyên tâm liên

Vì vậy Bộ Y tế giao Cục Quản lý y dược cổ truyền phối hợp với Cục Khoa học đào tạo làm đề cương thử nghiệm lâm sàng trên một số lượng bệnh nhân Covid-19 nhất định, sau đó sẽ báo cáo Hội đồng chuyên môn để tiếp tục đánh giá, nếu hiệu quả sẽ sử dụng ở phạm vi rộng.

Việt Nam cũng có thể xem xét cho dùng Xuyên tâm liên với các F1 cách ly tại nhà có dấu hiệu mệt mỏi.

Trong công văn 1306 ngày 17/3/2020 hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền trong phòng chống và hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp do SARS-CoV-2, Bộ Y tế đưa Xuyên tâm liên vào bài thuốc Ngân kiều tán dùng trong giai đoạn khởi phát bệnh để giải độc, thăng dương ích khí với liều dùng uống 1 thang/ngày, chia thành 3 lần sau ăn.

Bộ Y tế cũng đã giao Cục Quản lý Y Dược cổ truyền kết hợp Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo làm đề cương thử nghiệm lâm sàng trên một số lượng nhất định, sau đó sẽ báo cáo Hội đồng chuyên môn để tiếp tục đánh giá, nếu hiệu quả sẽ sử dụng ở phạm vi rộng.

Khuyến cáo khi sử dụng Xuyên tâm liên

Theo y học cổ truyền, xuyên tâm liên là vị thuốc lạnh (tính hàn), sử dụng dài ngày có thể gây buồn nôn, tiêu chảy.

Do đó, theo tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Văn Lý, Trưởng Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội)  khuyến cáo khi sử dụng, chúng ta cần lưu ý với những người tỳ vị hư hàn; không dùng cho phụ nữ có thai, đang cho con bú.

Những người bị viêm loét dạ dày, tá tràng và những người phẫu thuật, chấn thương cũng không nên dùng vì có thể bị chảy máu do xuyên tâm liên làm chậm quá trình đông máu.

Vị thuốc này có tính hàn, sử dụng quá liều có thể gây tê tay chân, hạ huyết áp… nên cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Trong một số trường hợp, các hợp chất tinh khiết từ cây thuốc, chẳng hạn như axit Aristolochic, có tác dụng phụ nghiêm trọng như suy thận và ung thư đường tiết niệu.

Liều dùng thông thường từ 5-7 ngày.

Tài liệu tham khảo

  • https://en.wikipedia.org/wiki/Andrographis_paniculata
  • https://en.wikipedia.org/wiki/Andrographolide
  • https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8056600/
  • https://www.nationthailand.com/in-focus/40001728
  • https://www.mdpi.com/2075-1729/11/4/348/htm
  • https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1002/ptr.7141
  • https://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-973/andrographis
Rate this post

Leave a Reply