Giải Nobel Y học 2016 được trao cho GS. Yoshinori Ohsumi
Theo công bố từ Viện Karolinska tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển) lúc 11g30 ngày 3-10, giải Nobel y học thứ 106 đã được quyết định trao cho Giáo sư Yoshinori Ohsumi, nhà khoa học người Nhật, nhờ khám phá các cơ chế phân tách và tái tạo tế bào. Đây là thành tựu khám phá ra cơ chế tự thực, một quá trình cơ bản trong tế bào.
Thông báo từ ban chấm giải cho biết: “Các khám phá của Ohsumi đã đưa đến những hình mẫu mới trong việc hiểu về cách các tế bào tái tạo các thành phần của mình. Những khám phá của ông ấy đã mở đường dẫn đến sự hiểu biết của nhiều quá trình sinh lý, chẳng hạn như trong việc tế bào thích ứng với cái đói hoặc phản ứng ứng với sự viêm nhiễm”.
Giáo sư Ohsumi, sinh năm 1945 tại Fukuoka (Nhật Bản), hiện đang làm việc tại Viện Công nghệ Tokyo.
Giáo sư Ohsumi đã nghiên cứu hàng ngàn gen đột biến và xác định được 15 gen đóng vai trò quan trọng trong quá trình tự thực. Tự thực (autophagy) là thuật ngữ xuất phát từ tiếng Hi Lạp với thành tố auto (tự) và phagein (ăn, thực). Khoa học gia Christian de Duve, người đoạt giải Nobel Y học 1974 là “cha đẻ” của từ “autophagy” khi đưa ra khái niệm này vào năm 1963.
Giáo sư Yoshinori Ohsumi là nhà khoa học thứ sáu sinh ra tại Nhật đã đoạt giải Nobel Y học và là nhà khoa học Nhật thứ 23 đoạt các giải Nobel danh tiếng.
Giáo sư Yoshinori Ohsumi lấy bằng tiến sĩ năm 1964 ở Đại học Tokyo. Sau ba năm rèn giũa tiếp tại ĐH Rockefeller ở New York (Mỹ), ông trở về Tokyo lập phòng thí nghiệm riêng của mình. Từ năm 2009, ông làm giáo sư ở Viện Công nghệ tại thủ đô nước Nhật.
“Tôi vô cùng vinh dự” – trang Kyodo News dẫn lời Giáo sư Ohsumi phát biểu sau khi biết mình đoạt giải Nobel Y học 2016. Cơ chế tự thực (autophagy) là một cơ chế cơ bản của việc thoái hóa và tái chế các thành phần của tế bào, hiểu đơn giản là cách các tế bào tái chế các thành phần của chính mình. Cơ chế này được chú ý lần đầu vào những năm 1960 khi các nhà khoa học phát hiện tế bào có thể thải các thành phần của mình bằng cách đưa chúng vào một lớp màng tạo thành một bọng hình túi và vận chuyển túi này đến một trung tâm tái chế bên trong tế bào.
Giáo sư Ohsumi sử dụng men nở làm bánh để xác định các gen điều khiển quá trình tự thực vào những năm 1990 và sau đó chứng minh rằng cơ chế này cũng hoạt động tương tự ở người.
Đây là một quá trình có ý nghĩa quan trọng đối với việc ngăn sự phát triển ung thư và chống lại các bệnh như tiểu đường. “Những đột biến trong gen tự thực có thể gây ra bệnh tật và quá trình tự thực có liên quan đến một số tình trạng như ung thư, bệnh thần kinh” – tuyên bố của ban trao giải giới thiệu về những ứng dụng của công trình được vinh danh năm nay.
Theo trang Noble Prize, năm nay có 273 nhà khoa học được đề cử cho giải Nobel Y học 2016. Theo tiêu chí của giải Nobel Y học, các khám phá đoạt giải phải có tầm quan trọng đặc biệt trong y học và khoa học đời sống, thay đổi các khuôn mẫu khoa học và đem lại lợi ích lớn cho con người.
Đến nay đã có tổng cộng 106 giải Nobel được trao trong lĩnh vực y học, trong đó có 12 phụ nữ đoạt giải. Ông Frederick G. Banting là nhà khoa học trẻ nhất từng giành giải thưởng này vào năm 1923 ở tuổi 32 nhờ khám phá ra insulin điều trị bệnh tiểu đường trong khi người lớn tuổi nhất từng nhận giải thưởng này là Peyton Rous với khám phá ra các virus gây khối u đoạt giải năm 1966 khi ông 87 tuổi.
Sau giải Nobel Y học, các giải về Vật lý sẽ được công bố vào ngày 4-10, Hóa học vào ngày 5-10 và Hòa bình vào ngày 7-10. Các giải Kinh tế và Văn học sẽ công bố vào tuần sau.
Phần thưởng tài chính cho mỗi giải Nobel là 8 triệu kronor Thụy Điển (khoảng 930.000 USD). Nếu nhiều người cùng đoạt giải thì số tiền sẽ được chia đều. Giải Nobel Văn chương thường không bị chia sẻ.
Giải Nobel là tập hợp các giải thưởng quốc tế được trao hàng năm kể từ năm 1901 cho những cá nhân đạt thành tựu trong lĩnh vực vật lý, hóa học, y học, văn học, kinh tế và hòa bình. Riêng trong lĩnh vực hòa bình còn có thể được trao cho tổ chức hoặc cá nhân.
Viện Hàn lâm Thụy Điển sẽ chọn lựa người thắng giải Nobel Văn học, Viện Karolinska chọn quán quân giải Y học, Hàn lâm viện Hoàng gia Thụy Điển chọn người cho giải Vật lý và Hóa học, và một ủy ban 5 thành viên do Quốc hội Na Uy bầu ra sẽ quyết định người thắng giải Nobel Hòa bình. Cần biết rằng những thông tin liên quan quá trình quyết định bàn thảo lựa chọn của ban giám khảo các giải Nobel sẽ được giữ bí mật trong 50 năm rồi mới được công bố.
Người sáng lập nên giải Nobel là nhà bác học nổi tiếng cùng tên Alfred Nobel (1833 – 1896). Theo di chúc, số tài sản khổng lồ của ông được gửi vào ngân hàng và lấy tiền lãi hàng năm để trao tặng cho những ai đã đem đến những lợi ích tốt nhất cho con người.
Giải Nobel được trao như thế nào?
Giải Nobel là giải thưởng hàng năm được trao theo di chúc của nhà phát minh người Thụy Điển Alfred Nobel. Kể từ năm 1901, việc trao giải được tiến hành dựa trên hệ thống đề cử và chọn bởi Ủy ban Nobel của bốn tổ chức trao giải bao gồm Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, Đại hội đồng Nobel tại Viện Karolinska, Viện Hàn lâm Thụy Điển, và các Ủy ban Nobel Na Uy. 50 thành viên Ủy ban Nobel chọn ra người đoạt giải bằng hình thức bỏ phiếu đa số.
Mỗi năm, các ứng viên cho giải thưởng năm sau được đề cử từ hàng ngàn thành viên các viện hàn lâm, các khoa học gia, giáo sư đại học, các nhà đoạt giải Nobel các năm trước… Việc đề cử bắt đầu từ tháng chín mỗi năm, kết thúc vào tháng một năm sau và thành viên Hội đồng Nobel đánh giá các ứng viên trong suốt mùa xuân và mùa hè trước khi công bố các giải vào tháng 10. Các ứng viên không thể tự đề cử mình. Danh sách các ứng viên và thông tin về quá trình lựa chọn sẽ được giữ kín trong 50 năm.
Buổi lễ trao thưởng sẽ được tổ chức vào tháng 12 ở Stockholm, nơi những người đoạt giải sẽ nhận huy chương Nobel và tiền thưởng trị giá 8 triệu kronor.
Với 116 năm lịch sử của mình, giải Nobel đã vinh danh rất nhiều những thành tựu vĩ đại của nhân loại.
Các giải Nobel năm 2015
? Nobel Y học 2015: Phương pháp điều trị sốt rét và ký sinh trùng Giải thưởng được chia hai, 1/2 trao cho ông William C Campbell (Mỹ) và ông Satoshi Omura (Nhật Bản) vì tìm ra liệu pháp mới chống nhiễm trùng do giun tròn kí sinh, và 1/2 còn lại trao cho bà Youyou Tu – Trung Quốc vì nghiên cứu phương thuốc mới chống lại sốt rét.
? Nobel Vật lý 2015: Giải mã “hạt ma” neutrino – siêu hạt cấu tạo nên vũ trụ Giải thưởng này được cùng trao cho hai nhà khoa học Takaaki Kajita, Arthur B. McDonald trong việc khám phá ra khối lượng của neutrino – siêu hạt cấu tạo nên vũ trụ và tính chất biến đổi của nó.
? Nobel Hóa học 2015: nghiên cứu ADN chữa ung thư Giải thưởng Nobel hóa học được trao cho Tomas Lindahl, Paul Modrich và Aziz Sancar vì công trình nghiên cứu về cơ chế sửa chữa ADN trong tế bào – vật chất di truyền cơ bản của mọi sinh vật sống.
? Nobel Văn học 2015: khắc họa chân thực hình ảnh của Liên bang Xô viết trong lịch sử nhân loại Giải thưởng thuộc về nữ nhà văn Svetlana Alexievich người Ukraine cho công trình “Bách khoa toàn thư về thời kỳ Xô Viết”.
? Nobel Hòa bình 2015: đóng góp mang tính quyết định để xây dựng nền dân chủ đa nguyên tại Tunisia. Giải thưởng được trao cho Bộ tứ đối thoại quốc gia Tunisia, là một nhóm gồm bốn tổ chức khác nhau đóng vai trò trung tâm trong việc nỗ lực xây dựng nền dân chủ đa nguyên tại Tusinia. Bộ tứ này gồm 4 tổ chức quan trọng trong xã hội dân sự Tunisia: Tổng liên đoàn lao động Tunisia (UGTT), Liên đoàn công nghiệp Tunisia (UTICA), Liên đoàn nhân quyền Tunisia (LTDH) và Hiệp hội luật sư Tunisia. Với vai trò của mình, 4 tổ chức nói trên đã đóng vai trò là lực lượng trung gian hòa giải và thúc đẩy tiến trình dân chủ hòa bình ở quốc gia này. Trong bối cảnh nhiều nước đang lâm vào cảnh hỗn loạn, như Syria, Yemen… cùng với tác động của cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu, Ủy ban Nobel Na Uy đã chọn tôn vinh một đất nước chấp nhận đi con đường khác, từ đó hy vọng đây sẽ là tấm gương để những nước khác noi theo.
? Nobel Kinh tế 2015: mối quan hệ giữa tiêu dùng và đói nghèo Người được trao tặng giải thưởng này là Angus Deaton, nhà kinh tế học gốc Scotland, đồng thời là giáo sư Đại học Princeton, Mỹ.
Theo Tuổi Trẻ
No Responses