Chim hồng tước nửa trống nửa mái cực kỳ quý hiếm vừa được phát hiện

Hiện tượng cá thể lưỡng tính (bilateral gynandromorphism) – có cả bộ phận buồng trứng và tinh hoàn là có thật trong tự nhiên, tuy vậy cũng vô cùng hiếm gặp. Và phát hiện một chú chim hồng tước nửa trống nửa mái tại Mỹ là một sự kiện đang được nhiều nhà điểu học quan tâm.

chim hồng tước nửa trống nửa mái

Nhà điểu học về hưu Jamie Hill đã có cuộc gặp ‘một lần trong đời cực kỳ hiếm hoi’ và chụp được ảnh một con chim hồng tước phương bắc hiếm lạ, nửa trống nửa mái, tại bang Pennsylvania, Mỹ.

>> Xem thêm:

Mặc dù không phải chưa từng được biết đến nhưng những con chim lưỡng giới rất hiếm thấy, theo Đài BBC ngày 24-2.

Hồng tước trống có lông vũ màu đỏ trong khi con mái có lông màu nâu nhạt. Con hồng tước ông Hill chụp được có màu lông cả đỏ lẫn nâu, chứng tỏ đây là một con chim mang cả hai giới tính.

Một người bạn của ông Hill đã kể với ông việc bà nhìn thấy một “con chim bất thường” đến kiếm ăn trong trang trại nuôi chim của bà tại quận Warren, bang Pennsylvania.

Ban đầu, ông Hill nghĩ đó có thể là một con chim bạch tạng nhưng không ngờ lại là một con chim nửa trống nửa mái. Sau khi xem hình trên điện thoại, ông nghi ngờ con chim này mắc hiện tượng cá thể lưỡng tính (bilateral gynandromorphism) – có cả bộ phận buồng trứng và tinh hoàn.

Sau đó, nhà điểu học 69 tuổi này đã đến trang trại của bạn mình và tìm thấy con hồng tước hiếm lạ này. “Sau khi tôi chụp ảnh, tim tôi đập nhanh suốt 5 tiếng cho đến khi về đến nhà và rửa những bức ảnh kỹ thuật số để xem xét kỹ hình ảnh con chim này” – ông Hill chia sẻ.

Giáo sư Brian Peer tại ĐH Tây Illinois cho biết những con chim nửa trống nửa mái thực sự rất hiếm. “Hiện tượng cá thể lưỡng tính xuất hiện là do xảy ra lỗi trong quá trình phân chia tế bào. Trứng và thể cực (tế bào nhỏ được tạo ra trong quá trình hình thành tế bào trứng) của nó được thụ tinh bằng các tinh trùng riêng biệt. Kết quả là xuất hiện một cá thể vừa trống vừa mái” – ông Peer nói.

Theo giáo sư Peer, hồng tước phương bắc là loài chim kiếm mồi phổ biến ở Bắc Mỹ. Bởi vì con trống và con mái trông rất khác nhau nên nếu có cá thể lưỡng tính xuất hiện thì chúng sẽ dễ bị phát hiện.

Khám phá khoa học – Bí ẩn của sự sống

Theo TuoiTre Online
www.tapchisinhhoc.com

Rate this post

Leave a Reply