Bệnh Whitmore (Melioidosis) – Nguyên nhân, Triệu chứng, Điều trị và Dự phòng

BỆNH WHITMORE Melioidosis

Tổng quan bệnh Whitmore

Bệnh Whitmore, còn gọi là Melioidosis, là một bệnh truyền nhiễm hiếm gặp do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (Pseudomonas pseudomallei) gây ra.

Bệnh này được Alfred Whitmore mô tả đầu tiên vào năm 1911 khi nghiên cứu một trường hợp bệnh ở Rangun, Myanma. Nhiều báo cáo sau đó cho thấy bệnh hiện diện ở nhiều nơi trên thế giới ở cả người và động vật, tập trung chủ yếu ở khu vực Bắc Úc và Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Vi khuẩn cũng phân lập được ở các động vật mắc bệnh như mèo (năm 1928), chó (năm 1925), ngựa, bò (năm 1930), động vật gậm nhấm và nhiều loại động vật khác.

Tại Việt Nam, trường hợp bệnh Whitmore đầu tiên được tác giả Pons và Advier từ Viện Pasteur Sài Gòn báo cáo vào năm 1925 ở một thai phụ 24 tuổi sống tại Thủ Đức. Sau đó, trong khoảng những thập niên từ 1940 đến 1970, rất nhiều trường hợp mắc bệnh Whitmore trên lính Pháp và lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam đã được ghi nhận.

Những nghiên cứu trong thời gian gần đây ở nước ta cho thấy bệnh phân bố ở nhiều tỉnh thành phía Bắc và phía Nam.

Bệnh gặp ở nam nhiều hơn nữ, người lớn nhiều hơn trẻ em, mùa mưa nhiều hơn các mùa khác.

Tỷ lệ tử vong do bệnh Whitmore khá cao, trên 40%, nhất là các trường hợp sốc nhiễm khuẩn và viêm phổi nặng. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, số trường hợp mắc hàng năm tương đối ít, khoảng 20 trường hợp mỗi năm.

Theo báo cáo của Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2006, hàng năm tại đây nhận điều trị khoảng 20 trường hợp bệnh. Điều này cho thấy bệnh melioidosis vẫn là bệnh không quá phổ biến ở các tỉnh phía nam xung quanh TP. Hồ Chí Minh.

Bệnh Whitmore có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, từ nhiễm trùng cấp tính đến mãn tính và có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, dẫn đến các biến chứng nặng hoặc thậm chí tử vong nếu không được điều trị.

Quá trình lây nhiễm bệnh Whitmore

Vi khuẩn gây bệnh Whitmore từ môi trường bên ngoài xâm nhập cơ thể chủ yếu qua những vị trí da bị xây xước hoặc qua vết thương hở. Người bệnh cũng có thể do hít phải bụi, hơi nước nhiễm khuẩn hoặc uống nước nhiễm khuẩn Burkholderia Pseudomallei. Tại chỗ xâm nhập, khuẩn này tạo thành các mụn mủ to nhỏ tùy theo mức độ, đôi khi là một ổ áp xe lớn.

Sự lây truyền từ người sang người rất hiếm nhưng có thể xảy ra khi tiếp xúc với máu hoặc chất dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh.

Nhiễm trùng mắc phải trong phòng thí nghiệm cũng rất hiếm nhưng có thể xảy ra, đặc biệt nếu các thủ thuật tạo ra khí dung.

Bệnh ảnh hưởng đến cả con người và động vật. 

Rất hiếm trường hợp người ta bị lây bệnh từ người khác. Trong khi một số trường hợp đã được ghi nhận, đất và nước bề mặt bị ô nhiễm vẫn là nguyên nhân chính khiến con người bị nhiễm bệnh. Gần đây, cá nước ngọt nhiệt đới cũng được xác định là có nguy cơ lây nhiễm.

Ngoài con người, nhiều loài động vật cũng dễ mắc bệnh melioidosis, bao gồm:

  • Cừu
  • Lợn
  • Ngựa
  • Chó, mèo
  • Gia súc

Đặc điểm của vi khuẩn Burkholderia pseudomallei

vi khuẩn Burkholderia pseudomallei

Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore là trực khuẩn Gram âm, dạng hình roi, kích thước 0,8-1,5 mm, thường bắt màu đậm ở 2 cực (hình kim băng) khi nhuộm xanh methylen.

Trong môi trường tự nhiên, vi khuẩn này sống chủ yếu trong đất ẩm, đặc biệt tìm thấy nhiều trong đất sét ở độ sâu 25-45 cm.

Vi khuẩn có khả năng tồn tại trong những điều kiện môi trường khác nhau như môi trường nghèo chất dinh dưỡng, môi trường khô hạn hay acid. Tuy nhiên, tác nhân này dễ bị tiêu diệt bởi tia cực tím.

Triệu chứng của bệnh Whitmore

Vi khuẩn có thể lây nhiễm sang da, phổi hoặc có thể lây lan khắp cơ thể.

Bệnh Whitmore có nhiều dấu hiệu và triệu chứng. Các triệu chứng mà một người có thể phát triển tùy thuộc vào vị trí nhiễm trùng và có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác, chẳng hạn như bệnh lao hoặc các dạng viêm phổi phổ biến hơn.

Một số người có thể không phát triển bất kỳ triệu chứng nào. Dưới đây là một số dạng triệu chứng điển hình tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn xâm nhập:

* Nhiễm trùng cục bộ: vết thương trên da, được đặc trưng bởi đau hoặc sưng ở một vị trí cụ thể, sốt, loét hoặc áp xe.

* Nhiễm trùng phổi: ho, đau ngực, sốt, nhức đầu hoặc chán ăn.

* Nhiễm trùng huyết: sốt, nhức đầu, khó thở, đau bụng hoặc khó chịu, đau khớp hoặc mất phương hướng.

* Nhiễm trùng lan tỏa: khi vi khuẩn lây lan khắp cơ thể, sẽ xuất hiện các triệu chứng bao gồm sốt, sụt cân, đau bụng hoặc đau ngực, đau cơ hoặc khớp, nhức đầu và co giật.

Trên lâm sàng thường không thể phân biệt bệnh Whitemore với các bệnh nhiễm khuẩn cấp và mạn tính khác. Cần nghĩ đến nhiễm vi khuẩn Whitmore khi người bệnh có sốt và có một hay nhiều yếu tố nguy cơ như công việc có tiếp xúc với đất và nước có thể chứa B. pseudomallei kèm theo người bệnh có bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, bệnh thận mạn.

Chẩn đoán xác định khi phân lập được vi khuẩn B. pseudomallei trong máu hay trong các dịch của cơ thể.

triệu chứng của bệnh Whitmore

Một số hình ảnh tổn thương ở bệnh nhân bệnh Whitemore
Nguồn: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới

Bao lâu sau khi tiếp xúc thì các triệu chứng xuất hiện?

Thời gian từ khi tiếp xúc đến khi xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Thông thường, các triệu chứng xuất hiện 2–4 tuần sau khi tiếp xúc, nhưng có thể kéo dài từ một ngày đến nhiều năm sau khi tiếp xúc.

Chẩn đoán bệnh Whitmore bằng cách nào?

Bệnh Melioidosis được chẩn đoán bằng cách xác định vi khuẩn trong các mẫu bệnh phẩm (ví dụ: máu, nước tiểu, tổn thương da hoặc phết họng) hoặc xác định sự gia tăng kháng thể trong máu.

Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán nhiễm B. pseudomallei là nuôi cấy vi khuẩn. Phương pháp này, mặc dù có độ đặc hiệu 100%, được báo cáo là có độ nhạy ước tính là 60,2%. Nhiều phương pháp phát hiện dựa trên phản ứng chuỗi polymerase định lượng (qPCR) đang được phát triển nhưng chưa được sử dụng phổ biến trong thực hành lâm sàng.

Điều trị bệnh Whitmore

Mặc dù bệnh diễn tiến phức tạp nhưng may mắn là bệnh Whitmore có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh đặc hiệu.

Giai đoạn điều trị tấn công thường dùng kháng sinh đường tĩnh mạch, liều cao kéo dài liên tục ít nhất 2 tuần.

Sau giai đoạn này, bệnh nhân tiếp tục dùng kháng sinh đường uống duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng nữa.

Những trường hợp nặng, điều trị duy trì có thể kéo dài đến 1 năm.

Ngoài kháng sinh, người bệnh cần phải được điều trị các biến chứng cũng như điều trị tốt bệnh lý nền có sẳn như đái tháo đường.

Đặc điểm dịch tễ của bệnh Whitmore 

Trong khi nhiễm Whitmore đã xảy ra trên khắp thế giới, Đông Nam Á và miền bắc Australia là những khu vực chủ yếu được tìm thấy. Tại Hoa Kỳ, vi khuẩn gây bệnh melioidosis đã được xác định ở Mississippi, Puerto Rico và Quần đảo Virgin thuộc Hoa Kỳ.

Vào năm 2022, một cuộc điều tra của các đối tác tiểu bang và CDC đã phát hiện ra vi khuẩn gây bệnh melioidosis, B. pseudomallei , trong môi trường ở vùng Bờ Vịnh Mississippi. Đây là lần đầu tiên B. pseudomallei được phát hiện ở lục địa Hoa Kỳ. Không rõ B. pseudomallei đã tồn tại trong môi trường bao lâu và nó có thể được tìm thấy ở đâu khác ở Hoa Kỳ; tuy nhiên, mô hình hóa cho thấy các điều kiện môi trường ở các bang vùng Vịnh có lợi cho sự phát triển của vi khuẩn Whitmore.

Khoảng chục trường hợp được xác định mỗi năm ở Hoa Kỳ và chủ yếu xảy ra ở những người du lịch và người nhập cư đến từ những nơi dịch bệnh lan rộng. Đôi khi bệnh nhân mắc bệnh Whitmore ở Hoa Kỳ không có tiền sử đi du lịch đến những vùng thường phát hiện bệnh.

Số lượng lớn nhất các trường hợp bệnh Whitmore được báo cáo ở:

  • Malaysia
  • Bắc Úc
  • Singapore
  • Thái Lan

Các trường hợp cũng thường xuyên được báo cáo ở:

  • Campuchia
  • Ấn Độ và Sri Lanka
  • Indonesia
  • Hong Kong
  • Lào
  • Myanmur
  • Miền Nam Trung Quốc
  • Đài Loan
  • Việt Nam

Bên ngoài Châu Á và Úc, các trường hợp đã được báo cáo ở:

  • Một phần của Châu Phi và Trung Đông
  • Brazil
  • Quần đảo British Virgin
  • Ecuador
  • El Salvador
  • Guadeloupe
  • Guyana
  • Martinique
  • México
  • Panama
  • Peru
  • Puerto Rico
  • Hoa Kỳ
  • Quần đảo Virgin thuộc Hoa Kỳ

Tại Việt Nam, số bệnh nhân tăng nhanh do bão lụt kéo dài tại các tỉnh miền Trung từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11. 

Trong 6 năm từ 2014 đến 2019, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận trung bình mỗi năm 14 ca; hơn 10 tháng của năm nay đã nhận 41 ca.

Theo các bác sĩ, sự tăng đột biến số lượng ca Whitmore trong tháng 9, 10 và 11 tại Việt Nam tương đổng với những kết quả nghiên cứu ở các vùng dịch bệnh khác trên thế giới. Số bệnh nhân Whitmore thường liên quan chặt chẽ và tỷ lệ thuận với tình trạng mưa lũ hàng năm.

Số ca đặc biệt tăng cao sau lũ lụt do sự phát triển mạnh mẽ của vi khuẩn Burkhoderia Pseudomallei – tác nhân gây bệnh Whitmore.

Những ai có nguy cơ mắc bệnh Whitmore

Mặc dù những người khỏe mạnh có thể mắc bệnh Whitmore nhưng các bệnh lý nền có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Các yếu tố rủi ro chính là:

  • Bệnh tiểu đường
  • Bệnh gan
  • Bệnh thận
  • Thalassemia
  • Ung thư hoặc một tình trạng khác (không liên quan đến HIV) làm suy yếu hệ thống miễn dịch
  • Bệnh phổi mãn tính (chẳng hạn như xơ nang, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và giãn phế quản)

Phòng ngừa bệnh Whitmore

Hiện tại chưa có vaccine phòng bệnh. Những vùng có bệnh Whitmore lưu hành, những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch như AIDS, ung thư, những bệnh nhân hóa trị… nên tránh tiếp xúc với đất và nước bị ô nhiễm, đặc biệt là ở các khu vực trang trại.

Những người có bệnh lý tiềm ẩn, bao gồm đái tháo đường và vết thương do chấn thương, nên tránh tiếp xúc với đất hoặc nước đọng ở những khu vực thường mắc bệnh.

Công nhân, nông dân và những người thường xuyên tiếp xúc với đồng ruộng và các khu vực có nước bẩn cần đeo găng tay và đi ủng để bảo vệ, tránh những phần da ở chân, tay bị trầy xước tiếp xúc trực tiếp với nguồn vi khuẩn nguy cơ gây bệnh.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh melioidosis nên sử dụng các biện pháp phòng ngừa tiếp xúc tiêu chuẩn (ví dụ: khẩu trang, găng tay và áo choàng).

Nhân viên phòng thí nghiệm xử lý các mẫu có chứa vi khuẩn phải tuân theo các quy trình an toàn thích hợp và sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân.

(*) Theo CDC, BV Nhiệt đới

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ có giá trị tham khảo. Người bệnh không được tự ý điều trị và cần sự thăm khám và chỉ định của Bác sĩ chuyên khoa.

5/5 - (1 vote)

Leave a Reply