Học công nghệ sinh học ra làm gì? Đây là một câu hỏi được nhiều thí sinh và phụ huynh đặt ra khi tìm hiểu về ngành Công nghệ sinh học – một trong những lĩnh vực thu hút rất nhiều sự quan tâm sau mỗi kì thi THPT Quốc gia hàng năm. Bài viết sau đây sẽ giúp các bạn trẻ có mong muốn theo đuổi ngành Công nghệ sinh học có cái nhìn tổng quan hơn về thực trạng của ngành Công nghệ sinh học tại Việt Nam và những định hướng nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp Công nghệ sinh học.
Nội dung
- 1 Học Công nghệ sinh học ra làm gì?
- 2 Sự phát triển Công nghệ sinh học tại Việt Nam
- 3 Học ngành Công nghệ sinh học ở đâu?
- 4 Cơ hội nghề nghiệp của ngành Công nghệ sinh học
- 4.1 Giảng viên tại các trường Cao đẳng, Đại học
- 4.2 Nghiên cứu viên tại các Trung tâm và Viện nghiên cứu
- 4.3 Nhân viên Phát triển sản phẩm tại phòng R&D của các công ty
- 4.4 Kỹ thuật viên xét nghiệm – Kỹ thuật viên phòng thí nghiệm
- 4.5 Giáo viên dạy môn Sinh học
- 4.6 Chuyên viên quản lý Khoa học và Công nghệ
- 4.7 Kinh doanh hóa chất và thiết bị ngành Công nghệ sinh học và Y Dược
- 5 Lương ngành Công nghệ sinh học như thế nào?
- 6 Kết luận
- 7 Tài liệu tham khảo
Học Công nghệ sinh học ra làm gì?
Đặc biệt là thế kỷ 21 được gọi là “kỷ nguyên” của Công nghệ sinh học khi các quốc gia trên thế giới tập trung mạnh mẽ phát triển lĩnh vực mũi nhọn này, nhất là trong bối cảnh cuộc sống con người dần “thiếu an toàn” do dịch bệnh gia tăng, tình trạng kháng thuốc kháng sinh hay các thực phẩm chứa hóa chất độc hại…
>>> Xem thêm:
- Nghị quyết 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học
- Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng
Sự phát triển Công nghệ sinh học tại Việt Nam
Công nghệ sinh học tại Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước định vị như là một ngành Kinh tế – Kỹ thuật quan trọng, có sự đóng góp liên ngành trong quá trình phát triển của đất nước.
Ngày 4-3-2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 50-CT/TƯ về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng Công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Mở đầu bản Chỉ thị đã nhấn mạnh “Công nghệ sinh học là một lĩnh vực công nghệ cao dựa trên nền tảng khoa học về sự sống, kết hợp với quy trình và thiết bị kỹ thuật nhằm tạo ra các công nghệ khai thác các hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào thực vật và động vât để sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm sinh học có chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường“.
Tiếp nối sau đó, Chính phủ cũng đã ban hành một loạt Nghị Định và Chương trình hành động để hiện thực hóa những chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Một số mục tiêu cụ thể đã được đặt ra là:
Mục tiêu đến năm 2010:
- Tạo ra, tiếp nhận và làm chủ được các công nghệ sinh học chủ yếu; triển khai ứng dụng mạnh mẽ, rộng khắp và có hiệu quả các công nghệ này vào lĩnh vực Nông nghiệp, Thuỷ sản, Y tế, Công nghiệp chế biến, Bảo vệ Môi trường và An ninh, Quốc phòng.
- Tạo ra các sản phẩm mới bằng Công nghệ sinh học (như: giống cây trồng, vật nuôi, chủng vi sinh vật, sản phẩm chế biến công nghiệp,…) có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao.
- Hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghiệp sinh học vừa và nhỏ nhằm sản xuất, kinh doanh và dịch vụ các sản phẩm công nghệ sinh học phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Mục tiêu đến năm 2020:
- Cung cấp đủ nguồn nhân lực khoa học và công nghệ có trình độ cao và chất lượng tốt, đủ năng lực sáng tạo và làm chủ các công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học phục vụ đắc lực cho việc phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.
- Xây dựng được một số trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tiên tiến và hiện đại về công nghệ sinh học đạt tiêu chuẩn quốc tế.
- Hình thành và phát triển ngành công nghiệp sinh học có đủ năng lực sản xuất các sản phẩm chủ lực, thiết yếu của nền kinh tế quốc dân.
>>> Xem thêm: Quyết định số 188/2005/QĐ-TTg
Để thực hiện từng bước có hiệu quả những mục tiêu nếu trên, Chính phủ cũng đã đặt ra những nhiệm vụ chủ yếu bao gồm:
- Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển công nghệ sinh học nhằm ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống
- Nâng cao trình độ và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ cho công nghệ sinh học
- Hình thành và từng bước phát triển ngành công nghiệp sinh học
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học
Tại thời điểm hiện tại, sau hơn 10 năm triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ, nhiều Viện và Trung tâm nghiên cứu Công nghệ sinh học trên cả nước đã được đầu tư hệ thống trang thiết bị đồng bộ để phục vụ cho các nghiên cứu công nghệ nghệ cao về Công nghệ sinh học như công nghệ gen, công nghệ lên men vi sinh vật, công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghệ gen thực vật, công nghệ gen động vật, công nghệ phôi, công nghệ tế bào gốc…
Tuy nhiên, khi có được hệ thống trang thiết bị đồng bộ, hệ thống chính sách quản lý thông suốt thì một vấn đề đặt ra cho sự phát triển của Công nghệ sinh học tại Việt Nam đó là số lượng và chất lượng của nguồn nhân lực Công nghệ sinh học.
>>> Xem thêm:
- Công nghệ sinh học là gì?
- Các lĩnh vực ứng dụng Công nghệ sinh học trong thực tiễn
- Sự phát triển của Công nghệ sinh học
Học ngành Công nghệ sinh học ở đâu?
Hiện nay, ngành Công nghệ sinh học đang được triển khai đào tạo tại nhiều trường đại học và viện nghiên cứu đầu ngành trên cả nước. Những đơn vị đào tạo nổi bật có thể kể đến là:
- Đại học Quốc gia Hà Nội
- Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh
- Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội
- Đại học Khoa học tự nhiên Tp. Hồ Chí Minh
- Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH)
- Đại học Bách khoa Hà Nội
- Đại học Bách khoa TP. HCM
- Đại học Nông lâm TP.HCM
- Đại học Quốc tế Sài Gòn
- Học viện Nông nghiệp Việt Nam
- Đại học Đà Nẵng
- Đại học Duy Tân
- Đại học Huế
- Đại học Nguyễn Tất Thành
- Đại học Phenikaa
- Đại học Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh
- Đại học Nha Trang
- Đại học Mở Hà Nội
- Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh
- Đại học Hùng Vương
- Đại học Tây Bắc
- Đại học Nông Lâm Thái Nguyên
- Đại học Lâm Nghiệp
- Đại học Tài nguyên và Môi trường
- Đại học Đà Lạt
- Đại học Cần Thơ
- Đại học Tân Tạo
- Đại học An Giang
- Đại học Vinh
- Đại học Tây Nguyên
- Đại học Bình Dương
- Đại học Quốc tế Hồng Bàng
- Đại học Văn Lang
- Đại học Cửu Long
- Đại học Công nghệ Vạn Xuân
Đối với trình độ Đại học, ngành Công nghệ sinh học sẽ được phân chia ra thành nhiều lĩnh vực chuyên ngành nhỏ để các bạn sinh viên năm cuối có thể định hướng tham gia và sẽ là nền tảng xuyên suốt quá trình làm việc sau khi ra trường. Những chuyên ngành của Công nghệ sinh học có thể kể ra là:
- Hóa Sinh và Sinh lý thực vật
- Di truyền học
- Thực vật học
- Sinh học tế bào
- Y Sinh
- Lý Sinh
- Vi sinh vật học
- Sinh thái học và sinh học môi trường
- Tin Sinh học
Ngoài ra, dựa vào mục đích ứng dụng, Công nghệ sinh học có thể được phân chia ra thành các chuyên ngành như:
- Công nghệ sinh học Y Dược
- Công nghệ sinh học trong Nông nghiệp
- Công nghệ sinh học trong Chăn nuôi, Thú y
- Công nghệ sinh học trong nuôi trồng Thủy sản
- Công nghệ sinh học trong Chế biến
>>> Xem thêm:
- Đề án Công nghệ sinh học trong Nông nghiệp đến năm 2030
- Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực Thuỷ sản đến năm 2020
- Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực Bảo vệ môi trường đến năm 2020
- Chương trình Công nghệ sinh học – Bộ NN&PTNT
- Chương trình Công nghệ sinh học – Bộ Công thương
- Văn phòng các Chương trình trọng điểm – Bộ Khoa học & Công nghệ
- Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo – Bộ Y tế
- Chương trình KHCN trọng điểm cấp Quốc gia “Nghiên cứu sản xuất vaccine sử dụng cho người đến năm 2030”
Thông thường, thời gian đào tạo các chuyên ngành Công nghệ sinh học sẽ kéo dài từ 4-5 năm tùy theo cấu trúc chương trình của mỗi trường đại học.
Do đặc thù chuyên môn nên ngay từ những năm thứ 2, các bạn sinh viên đã có thể liên hệ xin thực tập tại các phòng thí nghiệm chuyên ngành của Khoa Sinh học hoặc các Trung tâm và Viện nghiên cứu.
Ngoài những kiến thức nền tảng của Công nghệ sinh học như Tế bào, Hóa sinh, Vi Sinh, Di truyền…, các bạn sinh viên còn được cập nhật thêm các kiến thức liên quan tới Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin, Markeing… để đảm bảo rằng mỗi sinh viên ngành Công nghệ sinh học khi ra trường sẽ có đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết giúp cho công việc đạt được hiệu quả cao nhất.
Cơ hội nghề nghiệp của ngành Công nghệ sinh học
Giảng viên tại các trường Cao đẳng, Đại học
Là giảng viên tại các trường Cao đẳng và Đại học là một lựa chọn đầu tiên của nhiều bạn sinh viên sau khi ra trường.
Những giảng viên trẻ được ở lại trường ngay sau khi tốt nghiệp thường có kết quả học tập rất tốt và có sự đam mê với môi trường sư phạm. Mặc dù chế độ đãi ngộ ở nhiều đơn vị đào tạo vẫn còn chưa cao nhưng bù lại các giảng viên trẻ sẽ có cơ hội được làm việc với những nhóm nghiên cứu mạnh trong trường, được thường xuyên bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ trong nước và nước ngoài.
Do yêu cầu về chuyên môn đối với các giảng viện thường phải có bằng Tiến sĩ trở lên, vì thế khi lựa chọn làm giảng viên, các bạn trẻ sẽ có cơ hội được học tiếp lên các bậc học cao hơn là Thạc sỹ và Tiến sĩ.
Về môi trường làm việc: giảng viên đại học yêu cầu tính kỉ luật rất cao vì phải thường xuyên đi sớm về muộn để kịp thời gian đứng lớp cũng như đảm bảo các hoạt động công việc khác của một giảng viên. Ngoài ra, các giảng viên cũng thường xuyên phải tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cũng như dành thời gian nhất định cho hoạt động nghiên cứu khoa học.
Về chế độ đãi ngộ: đây là vấn đề băn khoăn lớn nhất của các bạn khi quyết định gia nhập đội ngũ giảng viên vì mức lương của nhà giáo vẫn còn thấp. Trong xu thế hội nhập hiện nay, sau một thời gian làm việc tại trường, các giảng viên sẽ có cơ hội đi học lên bậc Thạc sỹ và Tiến sỹ tại nước ngoài. Sau đó các bạn có thể ở lại làm Postdoc tại các nước phát triển để nâng cao kinh nghiệm và có thêm nguồn thu nhập. Ngoài ra, các hoạt động nghiên cứu đề tài, dự án, chuyển giao công nghệ và hợp đồng đặt hàng cũng sẽ mang lại nguồn thu nhập cho các giảng viên đại học.
Nghiên cứu viên tại các Trung tâm và Viện nghiên cứu
Để theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, nhiều bạn đã lựa chọn trở thành nghiên cứu viên tại các Trung tâm và Viện nghiên cứu chuyên ngành.
Phần lớn các bạn sinh viên năm thứ 2 và 3 đã sớm định hướng được chuyên ngành yêu thích và sẽ liên hệ để thực tập tại các phòng thí nghiệm của các Trung tâm và Viện nghiên cứu bên ngoài. Sau khi tốt nghiệp, nhiều bạn sẽ được giữ ở lại làm việc ngay với vị trí là nghiên cứu viên hợp đồng.
Một số đơn vị nghiên cứu uy tín trong lĩnh vực Công nghệ sinh học có thể kể đến là:
- Viện Công nghệ Sinh học (VAST)
- Viện Công nghệ Môi trường (VAST)
- Viện Nghiên cứu hệ gen (VAST)
- Viện Hóa Sinh biển (VAST)
- Viện Hóa học các hợp chất tự nhiên (VAST)
- Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (VAST)
- Viện Hải dương học (VAST)
- Viện Tài nguyên và Môi trường biển (VAST)
- Viện Sinh học nhiệt đới (VAST)
- Viện Sinh thái học miền Nam (VAST)
- Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS)
- Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tếViện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương
- Hệ thống Viện Vacxin và Sinh phẩm Y tế
- Hệ thống Viện Pasteur
- Viện Di truyền nông nghiệp
- Viện Bảo vệ thực vật
- Viện Công nghiệp Thực phẩm
- Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch
- Hệ thống Viện Nghiên cứu Thủy sản 1, 2, 3
- Viện Nghiên cứu Ngô
- Viện Chăn nuôi
- Trung tâm Công nghệ sinh học Tp. Hồ Chí Minh
- Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh An Giang
- Trung tâm Công nghệ sinh học Nông nghiệp, thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam
- Khu Công nghệ sinh học và Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao Đà Lạt
- Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội
- Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, ĐHQG Hà Nội
- Viện Công nghệ sinh học và Hóa dược NOVA (NOVAINS)
- Viện Công nghệ ADN và phân tích di truyền (GENLAB)
- Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT, ĐH Nguyễn Tất Thành
- Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ cao, ĐH Duy Tân
- Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ sinh học, ĐH Cần Thơ
- Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Nông nghiệp công nghệ cao, ĐH Đà Lạt
- Viện Nghiên cứu tế bào gốc và Công nghệ gen VINMEC
Về môi trường làm việc: nghiên cứu viên tại các Viện và Trung tâm thường có cơ hội tiếp cận với hệ thống trang thiết bị tiên tiến được trang bị giúp cho công việc nghiên cứu thuận lợi hơn. Ngoài ra, việc thường xuyên tham gia các Seminar, hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế sẽ là môi trường học thuật thường xuyên giúp các nguyên cứu viên phát triển dần thành các chuyên gia nghiên cứu giỏi trong mỗi lĩnh vực chuyên môn.
Về chế độ đãi ngộ: lương của các nghiên cứu viên chủ yếu vẫn theo thang hệ số của cán bộ công chức nên có thể nói là không cao. Tuy nhiên, đầu tư cho khoa học là quá trình đầu tư lâu dài. Vì vậy, với các bạn muốn theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học tại các Viện và Trung tâm nghiên cứu thì sự đam mê đóng vai trò rất quan trọng. Những tiêu chí trong nghiên cứu khoa học như các bài báo quốc tế, giải pháp hữu ích hay bằng sáng chế của sản phẩm và quy trình nào đó đều là kết quả của sự đam mê công việc nghiên cứu. Thu nhập bổ sung của bạn sẽ có được thông qua việc thực hiện các đề tài dự án nghiên cứu trong và ngoài nước, hợp đồng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho các đơn vị và doanh nghiệp….
Nhân viên Phát triển sản phẩm tại phòng R&D của các công ty
Trong những năm gần đây, hoạt động R&D đã và đang được đầu tư mạnh mẽ cả trong khối các doanh nghiệp Nhà nước và các công ty tư nhân.
Việc tìm kiếm các nguồn nguyên liệu mới, phát triển các dòng sản phẩm mới đang được các công ty giao phó cho phòng R&D và trực tiếp triển khai là các nhân viên Phát triển sản phẩm.
Liên quan đến lĩnh vực Công nghệ sinh học, các công ty về Thực phẩm, thuốc Thú y, nuôi trồng và chế biến Thủy sản, Thức ăn chăn nuôi, Phân bón vi sinh, sản xuất thành phẩm Dược và Thực phẩm chức năng, sản xuất nguyên liệu Dược và Thực phẩm chức năng… đều đang có phòng R&D với quy mô đầu tư tùy thuộc vào mô hình kinh doanh cùng từng đơn vị.
Về môi trường làm việc: do làm việc trong môi trường công ty nên áp lực đối với nhân viên Phát triển sản phẩm là không hề nhỏ. Họ phải đảm nhiệm các công việc chuyên môn như xây dựng hồ sơ đăng ký sản phẩm cho các sản phẩm chuẩn bị đưa ra thị trường; quản trị tiến độ dự án phát triển sản phẩm mới; tìm nguồn nguyên liệu mới; tìm kiếm công nghệ mới; xây dựng ý tưởng sản phẩm mới, kế nối với các nhà khoa học trong và ngoài nước để tiếp nhận chuyển giao các kết quả nghiên cứu… Phòng R&D thường là 1 trong những phòng có vị trí trung tâm trong công ty, vì vậy nhân viên của phòng R&D sẽ thường xuyên phải kết nối với các phòng ban khác như phòng Marketing, phòng Kỹ thuật, phòng Công nghệ, phòng Kiểm tra chất lượng, phòng Kế hoạch Vật tư, nhà máy sản xuất…
Về chế độ đãi ngộ: nếu nhìn vào những hoạt động chuyên môn của một nhân viên Phát triển sản phẩm, bạn sẽ thấy rằng họ xứng đáng được hưởng một chế độ đãi ngộ tốt vì R&D là nền tảng quan trọng trong chuỗi giá trị của các công ty và tập đoàn lớn ở Việt Nam và trên thế giới. Tuy nhiên, để có được mức lương thưởng đáng mơ ước ở vị trí R&D, ngoài nền tảng kiến thức tốt, các bạn Kỹ sư và Cử nhân CNSH nên có một sự đam mê dành cho nghiên cứu khoa học. Thông thường, những nghiên cứu viên tại các Trung tâm và Viện nghiên cứu chuyên ngành sẽ là những ứng viên tiềm năng cho các vị trí nhân viên và quản lý R&D tại các công ty.
Kỹ thuật viên xét nghiệm – Kỹ thuật viên phòng thí nghiệm
Đối với kỹ thuật viên xét nghiệm
Nơi làm việc sẽ là Labo xét nghiệm tại các Bệnh viện, Trung tâm Y tế dự phòng các tuyến từ Trung ương tới huyện, các Bệnh viện và phòng khám tư nhân…
Yêu cầu đối với Kỹ thuật viên xét nghiệm thường có trình độ từ Trung cấp trở lên và đều thuộc các chuyên ngành liên quan đến Sinh – Y – Dược để có thể đảm nhận tốt các công việc của một kỹ thuật viên xét nghiệm như lấy mẫu xét nghiệm, thực hiện các thao tác xét nghiệm…
Tại labo xét nghiệm của các Bệnh viện và Trung tâm y tế, có 2 nhóm xét nghiệm mà các kỹ thuật viên xét nghiệm có thể tham gia, đó là:
1/ Nhóm các loại xét nghiệm cơ bản như xét nghiệm máu, xét nghiệm phân và nước tiểu, xét nghiệm các chỉ số sinh hóa cơ bản…
2/ Nhóm các xét nghiệm nâng cao, bao gồm:
- Xét nghiệm vi sinh lâm sàng và kí sinh trùng
- Xét nghiệm giải phẫu bệnh (phân tích tế bào, chọc hút tinh hoàn, chọc hút tuyến giáp, chọc hút khối u…)
- Xét nghiệm nhanh các loại bệnh bằng Kit chẩn đoán hoặc phản ứng ELISA
- Xét nghiệm ADN huyết thống, giám định ADN, phân tích di truyền
- Xét nghiệm sàng lọc trước sinh và sau sinh
Đối với kỹ thuật viên phòng thí nghiệm
Khác với kỹ thuật viên x ét nghiệm, các kỹ thuật viên phòng thí nghiệm chủ yếu làm việc tại các phòng thí nghiệm phân tích, phòng kiểm nghiệm, phòng KCS, phòng QC của các Trung tâm kiểm nghiệm, công ty sản xuất Dược và Thực phẩm chức năng, công ty sản xuất sản phẩm Công nghệ sinh học, các Trung tâm xét nghiệm ADN huyết thống tư nhân…
Về yêu cầu trình độ chuyên môn, các kỹ thuật viên phòng thí nghiệm cũng được yêu cầu phải từ Trung cấp trở lên. Trong các trung tâm Kiểm nghiệm và công ty Dược, Thực phẩm chức năng và Công nghệ sinh học, nhiều vị trí kĩ thuật viên phòng thí nghiệm được yêu cầu phải có bằng Đại học trở lên để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu khắt khe của quy trình kiểm nghiệm, đối chứng.
Về môi trường làm việc: cả kỹ thuật viên xét nghiệm và kỹ thuật viên phòng thí nghiệm đều có cường độ làm việc cao và thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất khác nhau. Hiện tại với sự trang bị đầy đủ và đồng bộ tại các labo xét nghiệm thì vấn đề bảo hộ an toàn lao động đã được đảm bảo tốt hơn, sự trợ giúp của các thiết bị xét nghiệm bán tự động sẽ giúp giảm tải cường độ làm việc cho các kỹ thuật viên.
Về chế độ đãi ngộ: hiện tại do nhu cầu về xét nghiệm và kiểm nghiệm đang tăng cao ở cả khu vực nhà nước v à các bệnh viện, phòng khám, trung tâm kiểm nghiệm tư nhân nên mức lương của các kỹ thuật viên cũng đã cải thiện nhiều theo hướng tăng thêm.
Giáo viên dạy môn Sinh học
Nhiều bạn sinh viên sau khi ra trường đã lựa chọn về địa phương làm giáo viên dạy môn Sinh học tại các trường phổ thông và Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Đây là lựa chọn hợp lý với các bạn muốn có một môi trường làm việc sư phạm nhưng không yêu cầu nhiều về nghiên cứu khoa học chuyên sâu.
Yêu cầu đối với các giáo viên dạy môn Sinh học, ngoài bằng cấp chuyên môn về Sinh học và Công nghệ sinh học, cần phải có chứng chỉ nghiệp vụ Sư phạm để đảm nhiệm tốt kỹ năng truyền thụ kiến thức đối với đối tượng là học sinh Trung học cơ sở và Phổ thông trung học.
Chuyên viên quản lý Khoa học và Công nghệ
Trở thành chuyên viên quản lý Khoa học và Công nghệ là một lựa chọn đối với các Kỹ sư, Cử nhân Công nghệ sinh học.
Do đặc thù của cơ quan quản lý khoa học nên mỗi Bộ, cơ quan ngang Bộ và trực thuộc Bộ sẽ có những tiêu chí riêng về trình độ và bằng cấp đào tạo. Ngoài yêu cầu về chuyên môn thì các chuyên viên quản lý cần được bồi dưỡng thường xuyên về kỹ năng liên quan đến quản lý nhà nước như quản trị dự án, quản trị thông tin…
Dưới đây là mô hình quản lý Khoa học và Công nghệ theo ngành dọc để các bạn tham khảo và dễ hình dung:
- Các đơn vị thuộc Bộ và cơ quan ngang Bộ
- Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh
- Trung tâm chuyển giao tiến bộ khoa học và kĩ thuật
- Trường Quản lý khoa học và Công nghệ
- Trung tâm Đánh giá và Kiểm định chất lượng
2/ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
- Các đơn vị thuộc Bộ và cơ quan ngang Bộ
- Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh
- Trồng trọt – Bảo vệ Thực vật
- Chăn nuôi – Thú Y
- Nuôi trồng Thủy sản
- Quản lý Thủy lợi và đê điều
- Trồng trọt – Lâm nghiệp
- Quản lý chất lượng Nông-Lâm sản
- Các đơn vị quản lý KH&CN thuộc Bộ và cơ quan ngang Bộ
- Sở Công thương các tỉnh, thành phố
- Chi cục Quản lý Vệ sinh an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố
- Các đơn vị quản lý KH&CN thuộc Bộ và cơ quan ngang Bộ
- Sở Giáo dục đào tạo các tỉnh, thành phố
5/ Bộ Tài Nguyên và Môi trường
- Các đơn vị quản lý KH&CN thuộc Bộ và cơ quan ngang Bộ
- Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố
6/ Bộ Y tế
- Các đơn vị quản lý KH&CN thuộc Bộ và cơ quan ngang Bộ
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố
7/ Bộ Quốc phòng
- Các đơn vị quản lý KH&CN thuộc Bộ và cơ quan ngang Bộ
8/ Bộ Công An
- Các đơn vị quản lý KH&CN thuộc Bộ và cơ quan ngang Bộ
Đối với sự nghiệp quản lý Khoa học và Công nghệ, các bạn sẽ phát triển đi lên theo bậc chuyên viên từ chuyên viên chính cho tới chuyên viên Cao cấp. Công việc quản lý Khoa học và Công nghệ tương đối áp lực, bù lại, các bạn có cơ hội đi tới nhiều đơn vị Khoa học theo ngành dọc tại các tỉnh và thành phố, có nhiều cơ hội đi thăm quan, học tập ngắn hạn và trao đổi về kinh nghiệm quản lý với các đối tác tại nước ngoài.
Kinh doanh hóa chất và thiết bị ngành Công nghệ sinh học và Y Dược
Gắn liền với sự phát triển Công nghệ sinh học tại Việt Nam không thể không nói đến lĩnh vực cung cấp thiết bị và hóa chất cho các đơn vị nghiên cứu trên cả nước.
Ở giai đoạn ban đầu, các thiết bị và hóa chất phần lớn được viện trợ không hoàn lại từ các tổ chức quốc tế và nước ngoài, do vậy mà ở thời điểm ban đầu có rất nhiều nhân viên kinh doanh hóa chất và thiết bị có xuất phát điểm là từ Thương mại hoặc Quản trị kinh doanh.
Từ năm 2000 trở lại đây, cùng với sự đầu tư tập trung cho các phòng thí nghiệm trọng điểm về một số chuyên ngành hẹp như phòng thí nghiệm trọng điểm v ề công nghệ gen, công nghệ protein và enzyme, công nghệ phôi… số lượng các công ty cung cấp hóa chất và thiết bị nước ngoài có mặt tại Việt Nam ngày càng tăng. Chính điều này đã mở ra cơ hội cho các bạn Kỹ sư và Cử nhân tốt nghiệp Công nghệ sinh học muốn tham gia vào mảng kinh doanh cung ứng và phân phối thiết bị, hóa chất phục vụ nghiên cứu Khoa học.
Trong xu hướng phát triển những năm gần đây, các công ty nhập khẩu và phân phối hóa chất, thiế bị khoa học công nghệ đã tập trung nhiều vào mảng R&D và dịch vụ sau bán hàng. Vì vậy, họ rất cần những nhân viên bán hàng có sự am hiểu sâu sắc về công nghệ của thiết bị cung cấp và những chuyên gia kỹ thuật có khả năng đảm nhận tốt các dịch vụ chăm sóc kỹ thuật sau bán hàng.
Về môi trường làm việc: những nhân viên bán hàng hóa chất và thiết bị khoa học thường phải di chuyển thường xuyên giữa các đơn vị nghiên cứu sử dụng sản phẩm; tham gia các chuyến tập huấn ngắn hạn tại công ty mẹ ở nước ngoài cũng như tham gia các sự kiện và hội chợ triển lãm chuyên ngành diễn ra hàng năm ở trong nước và nước ngoài.
Về chế độ đãi ngộ: lương của nhân viên bán hàng thường bao gồm lương cố định cộng với thưởng theo quý, theo năm và thưởng doanh số. So với các nhóm công việc khác về Khoa học và Công nghệ thì công việc bán hàng mang lại khoản thu nhập cao hơn.
Lương ngành Công nghệ sinh học như thế nào?
Đối với các bạn làm tại Viện nghiên cứu và các cơ quan nhà nước, mức lương sẽ theo hệ số cơ bản áp dụng cho các vị trí nghiên cứu viên hoặc chuyên viên.
Ở khối công ty kinh doanh nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực liên quan tới Công nghệ sinh học, mức lương đề xuất cho các vị trí như nhân viên kinh doanh, nhân viên quản lý sản phẩm, nhân viên R&D, quản đốc Sản xuất, giám đốc Chất lượng thường cao hơn so với khối nghiên cứu.
Các bạn có thể tham khảo TẠI ĐÂY
Kết luận
Như vậy, kể từ khi có Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, lĩnh vực Công nghệ sinh học tại Việt Nam đã được đầu tư mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tự rất khả quan.
Kể từ 2005 cho đến nay, cùng với sự hình thành và phát triển của một loạt phòng thí nghiệm trọng điểm chuyên ngành, các trung tâm công nghệ sinh học thuộc tỉnh và các thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã được đầu tư bài bản.
Chính những điều kiện cơ sở vật chất này đã mở ra nhiều hướng ứng dụng cho các hướng chuyên môn sâu của Công nghệ sinh học và tạo ra nhiều yêu cầu nhân lực cho ngành Công nghệ sinh học.
Ban biên tập mong rằng, bài viết định hướng về vấn đề học công nghệ sinh học ra làm gì? sẽ cung cấp cho các bạn đang chuẩn bị thi đại học và các bạn sinh viên năm 2 chuẩn bị lựa chọn chuyên ngành tốt nghiệp sẽ có được bức tranh tổng quát về ngành Công nghệ sinh học, các địa chỉ đào tạo uy tín về ngành Công nghệ sinh học, cũng như thông tin định hướng về lựa chọn nơi làm việc trong lĩnh vực Công nghệ sinh học sau khi ra trường.
Đối với các bạn đã tốt nghiệp ra trường thì có thể phát triển nghề nghiệp theo những định hướng đề cập ở trên.
Đối với các bạn đang chuẩn bị thi vào ngành Công nghệ sinh học thì một lời khuyên là các bạn đang chọn một hướng đi phù hợp.
Trong xu thế phát triển sắp tới, mong rằng với nền tảng kiến thức tốt, kỹ năng thành thạo và trình độ ngoại ngữ chuyên nghiệp, các bạn trẻ sẽ góp phần đưa Công nghệ sinh học tại Việt Nam thành một ngành kinh tế kỹ thuật mũi nhọn, đóng góp thêm nhiều GDP cho sự phát triển của đất nước.
Tài liệu tham khảo
- Bài viết của GS. Nguyễn Lân Dung về Công nghệ sinh học tại Việt Nam
- ĐH Công nghệ TP. HCM
- ĐH Nguyễn Tất Thành
- www.hvbiotek.com
Hương Giang (tổng hợp)
www.tapchisinhhoc.com
No Responses