Khả năng đột biến của nCoV có thể xảy ra hay không?

khả năng đột biến của nCoV

Hoài nghi về khả năng đột biến của nCoV

Một nghiên cứu chỉ ra khả năng đột biến của nCoV thành hai loại, trong đó có loại lây nhiễm mạnh hơn. Nhưng giới chuyên gia vẫn nghi ngờ kết luận này.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học ở Trung Quốc phân tích hệ gen của virus trên mẫu bệnh phẩm lấy từ 103 bệnh nhân Covid-19. Họ phát hiện những khác biệt trong hệ gen và chia nCoV thành hai loại, tạm gọi là loại L và S. Nhóm nghiên cứu báo cáo kết quả trên tạp chí National Science Review hôm 3/3.

Họ nhận thấy loại L chiếm 70% số mẫu bệnh phẩm và lây nhiễm mạnh hơn. Sự phổ biến của loại này giảm dần từ đầu tháng 1/2020. Loại thường gặp hiện nay là loại S cũ hơn, do những can thiệp của con người như cách ly có thể đã giảm khả năng lan rộng của loại L.

Tuy nhiên, Nathan Grubaugh, nhà dịch tễ học ở Trường Y tế Công cộng Yale, người không tham gia nghiên cứu, cho rằng kết luận của nhóm tác giả “đơn thuần là suy đoán”. Một lý do là các đột biến mà họ đề tới rất nhỏ, chỉ diễn ra trên hai nucleotide, khối cấu tạo cơ bản của gen. (nCoV dài gồm khoảng 30.000 nucleotide).

>>> Xem thêm: SARS-CoV-2 (Severe acute respiratory syndrome coronavirus 2) Sequences

Những thay đổi cực nhỏ này chắc chắn không có tác động lớn đến hoạt động của virus, vì vậy kết luận có hai loại virus khác nhau là “không chính xác”. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu chỉ xem xét 103 trường hợp. Đó là tập mẫu rất nhỏ trong tổng số ca nhiễm virus. Quá trình tìm ra các đột biến mà virus trải qua trên khắp thế giới đòi hỏi nhiều công sức và đôi khi mất hàng năm trời để hoàn thành.

Nhiều chuyên gia khác cũng đồng ý với Grubaugh. Phát hiện nCoV đột biến thành hai loại, trong đó loại L gây bệnh nghiêm trọng hơn, “chắc chắn là một sự diễn giải số liệu”, Richard Neher, nhà sinh vật học và vật lý học ở Đại học Basel tại Thụy Sĩ. Tác động về mặt số liệu này có thể do việc lấy mẫu sớm ở nhóm L, dẫn tới tỷ lệ tử vong cao hơn hẳn. Nhóm tác giả báo cáo cũng thừa nhận dữ liệu trong nghiên cứu của họ “vẫn còn rất hạn chế” và họ cần theo dõi tiếp với bộ dữ liệu rõ hơn để hiểu rõ hơn virus tiến hóa như thế nào.

Theo Grubaugh, trên thực tế, đột biến là một phần tự nhiên trong vòng đời của virus và hiếm khi tác động mạnh tới dịch bệnh.

Virus ARN, những virus có vật liệu di truyền chính là ARN thay vì ADN, bao gồm nCoV, đột biến thường xuyên và không có cơ chế để sửa chữa lỗi như tế bào của người.

Nếu không có lợi cho virus, đột biến thường bị loại bỏ thông qua chọn lọc tự nhiên, cơ chế tiến hóa giúp tổ chức vi sinh vật thích nghi tốt hơn với môi trường sống. Những đột biến khác lưu lại và ẩn vào hệ gen bình thường của virus. Các gen khác nhau mã hóa cho các đặc điểm như mức độ nghiêm trọng của virus hay khả năng truyền sang người khác.

Do đó, để virus trở nên nghiêm trọng hơn hoặc lây nhiễm dễ dàng hơn, nhiều gen cần phải đột biến. Dù nhìn chung, tỷ lệ đột biến của virus khá cao, rất khó tìm thấy virus thay đổi phương thức lây lan giữa người với người qua một khoảng thời gian ngắn như vậy.

Grubaugh cũng nhận định hai loại virus nCoV L và S vẫn giống nhau về mặt di truyền, do đó đột biến không ảnh hưởng tới việc phát triển vaccine mới. Các nhà sản xuất vaccine không nên lo ngại về điều này. Tuy nhiên, khi vaccine ra đời, virus có thể thích nghi và phát triển đề kháng. Nhưng tình huống này ít có khả năng xảy ra bởi những virus ARN khác như bệnh sởi, quai bị và sốt vàng da không phát triển đề kháng với vaccine.

Những đột biến giúp các nhà khoa học theo dõi diễn biến của virus, theo Grubaugh. Ví dụ, một nhóm nhà nghiên cứu Brazil gần đây cô lập nCoV từ hai bệnh nhân được xác nhận nhiễm Covid-19 và giải trình tự hệ gen hoàn chỉnh của cả hai mẫu bệnh phẩm.

Họ nhận thấy hệ gen ở hai mẫu không chỉ khác nhau mà còn khác hệ gen của những mẫu virus đã giải trình tự ở Vũ Hán, Trung Quốc. Virus lấy từ một bệnh nhân ở Brazil có hệ gen tương tự trường hợp mắc bệnh ở Đức, trong khi bệnh nhân còn lại có mẫu virus giống ca nhiễm ở Anh. Điều này có nghĩa hai bệnh nhân có liên hệ với các ca nhiễm ở châu Âu nhưng không liên quan đến nhau, Grubaugh cho biết.

Cập nhật tin tức 24/7: Chuyên trang về VIRUS CORONA 2019 – COVID-19

Tài liệu tham khảo

  • Mutations, Recombination and Insertion in the Evolution of 2019-nCoV. (bioRxiv)
  • Mining coronavirus genomes for clues to the outbreak’s origins (ScienceMag)
  • Comparative genetic analysis of the novel coronavirus (2019-nCoV/SARS-CoV-2) receptor ACE2 in different populations (Nature)
  • A Novel Coronavirus from Patients with Pneumonia in China, 2019 (NEJM)

Theo Vnexpress, Hương Giang (tổng hợp)
www.tapchisinhhoc.com

Rate this post