Ung thư và chiều cao – Người cao dễ bị ung thư hơn?
Nguy cơ tăng lên là rất nhỏ, nhưng phù hợp với một giả thuyết lâu nay rằng việc có nhiều tế bào trong một cơ thể sẽ dẫn đến nhiều cơ hội cho những tế bào đó trở thành ung thư.
Các nghiên cứu lớn đã chỉ ra rằng những người cao hơn có khả năng mắc ung thư nhiều hơn những người thấp. Cho đến bây giờ, vẫn chưa rõ liệu nguy cơ ung thư cao hơn này là hậu quả trực tiếp của việc có nhiều tế bào trong cơ thể hay là do các yếu tố khác.
Trong một nghiên cứu được công bố hôm 24 tháng 10 (2018) trên Proceedings of the Royal Society B, Leonard Nunney, một nhà sinh học tiến hóa tại Đại học California, Riverside, đã sử dụng dữ liệu từ các nghiên cứu trên hàng ngàn người để chỉ ra rằng chiều cao có ảnh hưởng trực tiếp đến nguy cơ phát triển nhiều loại ung thư.
“Đây là một bài báo rất thú vị và thực sự là tài liệu mà chúng tôi đã thảo luận trong lĩnh vực này trong một thời gian dài, nhưng chưa bao giờ thực sự được đo đạc chính xác,” Joshua Schiffman, bác sĩ chuyên khoa ung thư nhi khoa tại Đại học Utah, người không tham gia nghiên cứu. “Nó khẳng định rằng càng nhiều tế bào trong một cơ thể và càng có nhiều tế bào phân chia thì khả năng ung thư sẽ phát triển càng cao,” ông nói thêm. “Ngay cả khi nguy cơ cao hơn là rất nhỏ, nó có ý nghĩa rộng hơn đối với lĩnh vực ung thư so sánh (comparative oncology) và tìm kiếm trong tự nhiên nhằm hiểu được. . . sự phòng thủ tự nhiên trước ung thư.
Số lượng tế bào trong cơ thể
Một ý tưởng được chấp nhận rộng rãi về sự phát triển ung thư là trong suốt cuộc đời của nó, mỗi tế bào dần dần tích lũy một tập hợp các đột biến khiến nó đi xa khỏi tầm kiểm soát. Một giả định phù hợp với giả thuyết này là càng có nhiều tế bào trong cơ thể sinh vật, thì càng có nhiều cơ hội để một trong số chúng phát triển những đột biến khởi phát ung thư.
Người ta có thể tính toán rằng con người, những người lớn hơn nhiều so với chuột và sống lâu hơn nhiều, sẽ có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao hơn hẳn. Tuy nhiên, các loài động vật lớn hơn chưa hẳn đã bị ung thư nhiều hơn những loài nhỏ khác, một vấn đề logic được mô tả vào năm 1977 bởi nhà dịch tễ học Richard Peto của Đại học Oxford.
Các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết rằng các động vật lớn hơn đối phó với vấn đề có nhiều tế bào hơn bằng cách phát triển nhiều cách ức chế ung thư, điều này đúng ở voi chẳng hạn. Các loài thuộc bộ Da dày (pachydermata) có ít nhất 20 bản sao gen mã hóa chất ức chế khối u p53, trong khi con người chỉ sở hữu một bản sao duy nhất.
Nhưng trong cùng một loài, những cá thể lớn vẫn có nguy cơ mắc ung thư cao hơn những cá thể nhỏ, chỉ dựa vào việc có nhiều tế bào hơn, Nunney cho biết, một ý tưởng được xác nhận bởi các báo cáo về tỷ lệ mắc ung thư ở người.
Liệu có nhân tố nào làm gia tăng cả chiều cao và nguy cơ ung thư?
Một lời giải thích khác cho những khác biệt giữa các cá thể, có thể được một số nhà sinh học ung thư ưa thích, đó là có lẽ một yếu tố khiến người ta cao hơn cũng làm đồng thời làm tăng nguy cơ ung thư, chwsbarn thân việc cao và có nhiều tế bào không trực tiếp gây ra ung thư. Trong nghiên cứu hiện tại, Nunney muốn xác định xem giả thuyết nào phù hợp hơn với dữ liệu.
Ông đã sử dụng một mô hình định lượng đơn giản để dự đoán tỷ lệ mắc ung thư sẽ là bao nhiêu nếu số lượng tế bào, ước tính theo chiều cao, có liên quan đến số ca ung thư trong một loài. Sau đó, ông so sánh các dự đoán với tần suất ung thư thực tế ở quần thể người, sử dụng dữ liệu từ một số nghiên cứu quy mô lớn được thực hiện trước đây trên thế giới, bao gồm ít nhất 10.000 trường hợp ung thư.
Tính toán của Nunney đã dự đoán rằng việc tăng 10 cm chiều cao sẽ dẫn đến tăng khoảng 10% nguy cơ ung thư nói chung. Ở đây chỉ đang nói về các cuộc khảo sát dịch tễ học: đối với phụ nữ, việc tăng chiều cao 10 cm liên hệ với mức tăng nguy cơ ung thư 12%, so với nam giới là 9%.
Để hiểu chính xác con số gia tăng này, hãy xem ví dụ: nếu nguy cơ mắc ung thư suốt đời ở những người có chiều cao trung bình là 38%, thì nguy cơ ung thư tăng 10% ở một người cao hơn 10 cm có nghĩa rằng nguy cơ tuyệt đối của người này là (38% + 3.8%) khoảng 42%.
“Thông điệp chính là đây là nó là một hiệu ứng nhỏ. . . . Nó có tác dụng thực sự, nhưng tác động lớn hơn nhiều [đối với nguy cơ ung thư] là lối sống của chúng ta.” Michael Hochbergn, nhà sinh học tiến hóa tại Đại học Montpellier ở Pháp, người không tham gia vào nghiên cứu. “Ba mươi đến sáu mươi phần trăm bệnh ung thư là do điều đó. Đó là thứ mà mọi người có thể kiểm soát được.”
“Thông điệp chính là đây là nó là một hiệu ứng nhỏ. . . . Nó có tác dụng thực sự, nhưng tác động lớn hơn nhiều [đối với nguy cơ ung thư] là lối sống của chúng ta.” – Michael Hochberg, ĐH Montpelier
Những ngoại lệ và những câu hỏi mở
Nunney cũng tìm thấy các ngoại lệ ở các loại ung thư cụ thể. Chẳng hạn, cả ung thư cổ tử cung và ung thư miệng dường như ít liên quan đến chiều cao, điều mà theo như ông viết trong báo cáo của mình, có thể được giải thích bởi các tác nhân từ môi trường được xác định rõ ràng: lần lượt là do nhiễm virus papilloma và hút thuốc.
Mặt khác, tần suất bị u melanin và các bệnh ung thư da khác có mối quan hệ mạnh mẽ hơn nhiều với chiều cao, với sự gia tăng chiều cao 10 cm có liên quan đến nguy cơ ung thư tăng hơn 20%. Một lời giải thích khả dĩ cho mối quan hệ này xuất phát từ bằng chứng [còn hạn chế] rằng “những người cao lớn có sự tuần hoàn [IGF-1] mạnh hơn, và có một số dấu hiệu gián tiếp cho thấy, điều đó thực sự gây ra sự phân chia tế bào nhanh hơn một chút,” Nunney cho biết.
“Có lẽ lý do tại sao u melanin có một trong những mối quan hệ mạnh mẽ nhất với chiều cao là do những người cao có thể có sự gia tăng nhẹ về tốc độ phân chia tế bào da,” ông nói thêm. Ông thừa nhận rằng có rất nhiều dữ liệu hỗ trợ cho ý tưởng này, chỉ ra một cơ hội cho nghiên cứu trong tương lai.
Một câu hỏi mở khác, theo Van Savage, một nhà sinh học tiến hóa tại Đại học California, Los Angeles, người không tham gia vào nghiên cứu, là tốc độ chuyển hóa ảnh hưởng thế nào đến sự gia tăng nguy cơ ung thư theo chiều cao. “Người cao hơn có tốc độ trao đổi chất chậm hơn trên mỗi tế bào, khi xét trung bình,” và nói chung, một động vật càng lớn thì tốc độ trao đổi chất trên mỗi tế bào càng thấp.
Trong tương lai, Savage cho biết thêm, sẽ rất có ý nghĩa khi khám phá ra có hay không việc những tác động [tiêu cực] bởi chiều cao được bù trừ bằng những lợi ích tiềm năng đến từ tốc độ chuyển hóa giảm.
Tham khảo
Nunney, “Size matters: height, cell number and a person’s risk of cancer,” Proceedings of the Royal Society B, doi:10.1098/rspb.2018.1743, 2018.
iceberg (biên tập)
tapchisinhhoc.com