Nội dung
Ty thể là một bào quan quá đặc biệt. Chúng được bao bọc bởi hai lớp màng, có hệ gen riêng, tự phân chia một cách độc lập với tế bào chủ …
Vai trò của ty thể không chỉ dừng ở mức độ là nhà máy năng lượng của tế bào, mà ty thể còn có vị trí quan trọng trong việc chuyển hóa năng lượng từ thức ăn thành năng lượng cho các quá trình sinh học.
Tuy nhiên, những năm gần đây, ngày càng nhiều nghiên cứu đã xác định rằng ty thể còn liên quan chặt chẽ đến nhiều hoạt động khác cho phép tế bào thực hiện chức năng của nó một cách hiệu quả và giúp duy trì một cơ thể khỏe mạnh.
Dưới đây chúng tôi đề cập đến những vai trò của ty thể, dưới cái nhìn chung nhất nhằm mang lại cho bạn đọc cái nhìn tổng quan về một trung tâm chuyển hóa quan trọng của tế bào, đồng thời cho thấy những hướng nghiên cứu chứa đựng vô số bí mật hay ho xoay quanh bào quan này.
Sản sinh năng lượng ATP
Có lẽ vai trò được biết đến nhiều nhất của ty thể là tạo ra ATP, đồng tiền năng lượng của tế bào.
Quá trình phức tạp, nhiều bước này là vô cùng quan trọng đối với việc thực hiện chức năng bình thường của cơ thể, và rối loạn từ nó có thể đóng góp vào nhiều bệnh khác nhau, từ tiểu đường đến Parkinson, hoặc những khiếm khuyết di truyền hiếm gặp.
Màng ngoài ty thể có nhiều lỗ được tạo nên bởi các protein, đủ lớn để cho phép nhiều ion và các phân tử lớn đến cỡ một protein nhỏ có thể đi qua.
Ngược lại, màng trong ty thể có tính thấm kém hơn nhiều, rất giống với màng sinh chất.
Màng trong cũng mang nhiều protein liên quan đến vận chuyển điện tử và sản xuất ATP. Màng trong bao bọc chất nền ty thể, nơi chu trình Krebs tạo ra các điện tử đi từ phức hệ protein này đến phức hệ protein khác trên màng trong.
Trong quá trình vận chuyển điện tử, các phức hệ protein tham gia đẩy proton H+ từ chất nền ra ngoài khoảng giữa hai màng. Điều này tạo ra một gradient điện hóa mà một hệ gọi là ATP synthase dùng để tổng hợp ATP.
Cuối chuỗi vận chuyển điện tử, chất nhận điện tử cuối cùng là oxy, và cuối cùng tạo thành nước.
Cân bằng nội môi Canxi
Sự trao đổi canxi bởi ty thể là dòng chảy canxi vào và ra khỏi ty thể, một quá trình quan trọng đối với điều hòa chuyển hóa và sự chết tế bào.
Một bài báo gần đây công bố năm 2017 đã xác định rằng sự tuôn chảy canxi từ ty thể ra thể hiện một vai trò quan trọng đối với chức năng tim.
Loại bỏ gen mã hóa protein trao đổi canxi-natri của ty thể (NCLX) trên chuột có liên quan đến hiện tượng đột tử do suy tim, trong khi biểu hiện quá mức gen này làm tăng sự giải phóng canxi và cung cấp một sự bảo vệ trước quá trình diễn biến suy tim.
Các phát hiện này gợi ý rằng NCLX duy trì tế bào cơ tim bằng cách điều hòa sự thoát canxi và ngăn cản quá tải canxi gây chết tế bào[1].
Bằng chứng gần đây đã hé lộ những thông tin mới về vai trò quan trọng của hệ thống hấp thụ Ca2+ của ty thể (mitochondrial calcium uptake – MCU) và vai trò của nó trong sự di chuyển của tế bào.
Một cách độc lập về vai trò của MCU trong sự di chuyển của tế bào ung thư, các nghiên cứu khác nhau đã nhấn mạnh chức năng của cân bằng nội môi ty thể trong sự trưởng thành phân ly các tế bào miễn dịch và tính hướng hóa.
Nói chung, các kết quả này thu được từ các dòng tế bào biệt hóa và mô hình động vật khác nhau khẳng định chức năng quan trọng và bảo được bảo tồn qua tiến hóa của MCU trong sự chuyển vị tế bào, từ giun đến động vật có xương sống [2].
Chết tế bào theo lộ trình – Apoptosis
Sự sống và cái chết không chỉ là một chủ đề bất tận của triết học mà còn là một quyết định khó khăn mà bộ máy cấu trúc tế bào của chúng ta phải thực hiện bất cứ lúc nào.
Trong khi các sinh vật đơn bào cố gắng tồn tại bằng cách nhân lên nhanh chóng, các sinh vật đa bào đã phát triển một cơ chế “tự hủy” để loại bỏ các tế bào bị lây nhiễm, bị hư hại và tế bào không mong muốn để toàn bộ có thể sống sót tốt hơn.
Cái chết tế bào được lập trình này tuân theo các tiến trình nhất định như sự co tế bào, sự phân mảnh nhân – một quá trình được gọi là apoptosis.
Chúng ta đã chứng kiến sự tiến bộ bùng nổ trong hai thập kỷ qua trong lĩnh vực này, không chỉ bởi vì apoptosis là một cơ chế được bảo tồn qua tiến hóa, chi phối hình hài của một cơ thể bình thường, cân bằng nội môi, bảo vệ chống lại sự xâm nhập của mầm bệnh và stress gây hại hệ gen mà còn bởi apoptosis còn dẫn đến ung thư và các bệnh miễn dịch.
Trọng tâm của việc điều hòa apoptosis là kích hoạt caspase, một nhóm cystein protease có thể phân cắt nhiều cơ chất có có nguồn gốc từ tế bào để phá hủy các thành phần tế bào[3].
Caspase tồn tại dưới dạng zymogens không hoạt động, hay proenzyme.
Trong quá trình apoptosis, procaspase bị phân cắt để tạo ra một tiểu đơn vị nhỏ và một tiểu đơn vị lớn. Hai mảnh bị cắt tạo thành một heterotetramer, là dạng hoạt động của enzyme.
Kích hoạt caspase là một sự kiện tiếp theo trong con đường apoptosis và ngăn chặn hoạt động caspase đã được chứng minh là chấm dứt gần như hoàn toàn quá trình apoptosis trên Caenorhabditis Elegans[4].
Do đó, kích hoạt caspase phải và thực sự được kiểm soát chặt chẽ.
Có hai con đường apoptotic chính: con đường ngoại sinh và nội sinh đáp ứng với các tín hiệu khác nhau ở động vật có xương sống.
Con đường nội sinh còn được gọi là con đường ty thể do sự tham gia thiết yếu của ty thể (Hình ), không chỉ là nơi mà các protein chống apoptosis và tiền apoptotic tương tác nhau và xác định số phận của tế bào, mà còn là khởi nguồn của các tín hiệu kích hoạt caspase thông qua các cơ chế khác nhau. Ví dụ, cytochrom c (Cyt c) là thành phần chính của phức hợp apoptosome để kích hoạt caspase-9.
Sau khi giải phóng khỏi ty thể, Smac (chất kích hoạt ty thể thứ cấp của caspase) và Omi có thể liên kết với các chất ức chế apoptosis (IAPs) và làm giảm tác dụng ức chế của chúng đối với hoạt động caspase.
Sự ngăn cách về không gian giữa các protein ty thể với các đối tác tương tác của chúng là một cơ chế bảo vệ để ngăn chặn sự kích hoạt không mong muốn của apoptosis trong các tế bào khỏe mạnh.
Chỉ sau khi được giải phóng một cách thích hợp, chúng có thể chuyển sang trạng thái gây chết tế bào [5].
Số phận của tế bào gốc và sự lão hóa
Nhiều học thuyết đã được xây dựng nhằm cố gắng giải thích tại sao và theo cách nào các sinh vật già đi.
Ví dụ, học thuyết đột biến của soma nói rằng sự lão hóa là do sự gia tăng theo thời gian các tổn thương ADN và đột biến soma, trong khi học thuyết về “mất mát telomere” giải thích sự suy giảm khả năng phân chia tế bào theo tuổi tác, liên quan đến sự co ngắn các đầu telomere trong các mô sinh dưỡng.
Tuy nhiên trong số tất cả các thuyết, quan điểm coi ty thể là tác nhân chính chiếm một vị trí nhất định. Thật vậy, ty thể là trung tâm của một giả thuyết hàng đầu trong 50 năm: lý thuyết gốc tự do [6].
Gần đây, vai trò quan trọng của truyền tin tế bào thông qua ty thể liên quan đến chức năng của tế bào gốc cũng như sự lão hóa đã trở nên sáng rõ hơn và tầm quan trọng của ty thể trong điều tiết hoạt động tế bào gốc đang ngày càng được chấp nhận.
Suy giảm khả năng trao đổi chất và khả năng tái tạo của các mô là đặc điểm chung của lão hóa.
Sự tái sinh được duy trì bởi các tế bào gốc soma (SSC), đòi hỏi sự chuyển hóa năng lượng được kiểm soát chặt chẽ và tính toàn vẹn của bộ gen cho cân bằng nội môi của chúng.
Kết quả gần đây chỉ ra rằng rối loạn chức năng ty thể có thể ảnh hưởng đến cân bằng nội môi này, và do đó góp phần vào sự thoái hóa mô và lão hóa.
Chuột bị gây đột biến lão hóa sớm có sự tích lũy đột biến điểm mtDNA ngẫu nhiên trong SSC của chúng, cho thấy cân bằng nội môi SSC bị xáo trộn, nhấn mạnh tầm quan trọng của tính toàn vẹn mtDNA đối với tế bào gốc.
Cơ chế liên quan đến những thay đổi trong môi trường oxy hóa khử của tế bào, bao gồm sự gia tăng một lượng chính xác các gốc oxy tự do (ROS), không gây ra tổn thương oxy hóa, nhưng đã ảnh hưởng đến chức năng SSC.
Do đó, sự trao đổi chất của ty thể dường như là một yếu tố điều hòa quan trọng trong việc xác định số phận của SSC và các khiếm khuyết trong SSC có thể gây ra lão hóa sớm [7].
Việc tạo ra các chất chuyển hóa của ty thể đại diện cho một phương thức khả thi mà qua đó ty thể có thể điều chỉnh hoạt động của tế bào gốc.
Các enzyme chính điều hòa cấu trúc chromatin (cả DNA và histones) và protein sửa đổi (quá trình acetyl hóa và methyl hóa) dựa vào các chất trung gian chuyển hóa của ty thể như các cofactor [8, 9].
Do đó, sự trao đổi chất của ty thể được kết hợp chặt chẽ với sự biểu hiện gen và hoạt động của protein. Mặc dù thực tế là nhiều trong số những phát hiện này đã được thực hiện bằng cách sử dụng các mô sinh dưỡng, có một số bằng chứng mới nổi cho thấy các cơ chế tương tự có thể có tác dụng trong việc điều chỉnh các quyết định về số phận của tế bào gốc.
Một số chất chuyển hóa trong chu trình TCA tham gia vào các con đường điều hòa chức năng tế bào gốc và quyết định số phận của nó [10,11,12], như được minh họa khái quát trong hình.
Ty thể – trái tim của miễn dịch
Giả thuyết nội cộng sinh đã đặt ra nguồn gốc cho cái mà đã trở thành ty thể cách đây 2.5 tỉ năm, khi một vi khuẩn hiếu khí sử dụng oxy để chuyển các phân tử hữu cơ thành năng lượng bị nuốt bởi một vi khuẩn cổ.
Lời giải thích hiện nay cho sự ổn định của cách sắp xếp này là lợi ích cho đi nhận lại giữa cả hai loại tế bào.
Tế bào nhân thực có được một cách thức sử dụng oxy hợp lý, một phân tử “độc hại” vốn có khả năng oxy hóa, trong khi vẫn có được một nguồn cung ATP dồi dào, một hệ thống chuyển đổi năng lượng hóa học ngay trong mình.
Vi khuẩn hiếu khí thì nhận được một sự bảo trợ an toàn, và một nguồn dinh dưỡng hả hê.
Vi khuẩn bị thực bào cũng giống như một nguồn dưỡng chất, tạo ra các phân tử cho quá trình tổng hợp các đại phân tử khác trong tế bào nhân thực.
Các phát hiện mới đây có nhắc tới vai trò của ty thể trong miễn dịch, cung cấp một bằng chứng nữa cho thuyết nội cộng sinh: ty thể có lẽ đại diện cho một nguồn cung các phân tử cần cho sự phòng vệ của tế bào chủ trong thời kỳ đầu của tế bào nhân thực.
Ví dụ, các gốc oxy hóa tự do (ROS) có thể được sử dụng để tiêu hóa các tác nhân gây bệnh sau khi chúng bị thực bào, hoặc có thể là những tín hiệu cho biểu hiện gen. Những chứng cứ ngày càng dày thêm về việc ở sinh vật phức tạp như thú, ty thể có nhiều vai trò quan trọng trong miễn dịch.
Chuyển hóa ở các tế bào miễn dịch
Các sự kiện chuyển hóa của ty thể có tác động to lớn đối với chức năng của tế bào miễn dịch. Các sự kiện chuyển hóa này có thể được dẫn dắt bởi các tín hiệu nội sinh từ chính tế bào hoặc chịu ảnh hưởng bởi các tế bào bên cạnh.
Dưới đây chỉ ra những con đường mà sự phosphoryl hóa oxy hóa, chuyển hóa chất béo và amino axit trong ty thể ảnh hưởng đến hoạt động của tế bào miễn dịch.
Sự trưởng thành phân ly của bạch cầu đơn nhân thành đại thực bào M1 hay M2 được kiểm soát bởi các cytokine được tạo ra bởi các tế bào miễn dịch khác.
Đại thực bào M1 được hoạt hóa bởi IFN- γ có nguồn gốc từ tế bào Th1. Đại thực bào M1 có xu hướng tích trữ nhiều axit béo như triacyclglycerols và cholesteryl esters trong các giọt lipid, và chúng thể hiện mức độ đường phân hiếu khí mạnh hơn nhưng phosphoryl hóa oxy hóa (OXPHOS) yếu hơn.
NO sản sinh nhiều hơn ở M1 trong khi sự biểu hiện uncoupling protein 2 (UCP2 – một protein ở màng trong ty thể, có khả năng kiểm soát ROS) giảm ở M1.
Trái lại, đại thực bào M2 được kích hoạt bằng IL3 hoặc IL4 để điều hòa chống viêm. M2 có chương trình chuyển hóa đặc trưng là OXPHOS dựa vào năng lượng sinh từ axit béo và axit béo có xu hướng trải qua sự tái ester hóa hoặc b-oxi hóa.
Sự bất hoạt UCP2 làm giảm sự hoạt hóa M2 bằng IL4. Nồng độ adenosine monophosphate activated protein kinase (AMPK) cao và NO thấp là lý do có mức độ OXPHOS cao ở đại thực bào này[13].
Đối với tế bào của hệ miễn dịch đặc hiệu, việc chuyển hóa có sự khác biệt trong quá trình biệt hóa các tế bào T: các tế bào T ngây thơ (naïve) phụ thuộc vào OXPHOS như là con đường chuyển hóa chính.
Ngược lại, tế bào T đã hoạt hóa thể hiện quá trình đường phân cao hơn OXPHOS. Các tế bào T trợ giúp Th1, Th2, Th17 sau khi biệt hóa phụ thuộc vào đường phân nhiều hơn OXPHOS và có hoạt tính mTORC1 (protein kinase điều hòa tăng sinh, biệt hóa, tổng hợp, phiên mã và tự thực của tế bào) cao hơn.
Tế bào T nhớ và T điều hòa (T ức chế) sử dụng con đường oxy hóa axit béo (FAO) phụ thuộc AMPK và mức độ biểu hiện mTORC1 thay đổi[14].
Chuyển hóa trong tế bào T và sự quy định các kiểu hình miễn dịch [15]
Ty thể và truyền tín hiệu trong miễn dịch
Các bằng chứng thu được gần đây gợi ý rằng ty thể không nhỉ nhận các tín hiệu mà còn chủ động phát tín hiệu. Chúng giải phóng các protein, lipid, các sản phẩm chuyển hóa và ROS là những thứ có thể được sử dụng như là chất truyền tín hiệu.
Ty thể là trung tâm truyền tin của tế bào và tạo ra ROS (mtROS) để vận hành quá trình sản xuất các cytokine viêm, đồng thời thực hiện chức năng trong việc tiêu diệt vi khuẩn. Vị chí sản sinh ROS chủ yếu là phức hệ I và III trong chuỗi truyền điện tử.
Ty thể và việc tiêu diệt vi khuẩn
Đã có nghiên cứu chỉ ra mtROS cũng tham gia vào quá trình trưởng thành của đại thực bào: Cu-Zn SOD điều hòa bởi H2O2 làm ức chế sự chuyển dạng của bạch cầu đơn nhân thành đại thực bào M1 và có xu ướng hướng chuyển thành M2[16].
Các nghiên cứu gần đây xác định rằng mtRA đóng góp đáng kể vào hoạt động loại bỏ vi khuẩn.
West và cộng sự, từ Bệnh viện Đại học Y khoa Yale, đã phát hiện phân tử TRAF6 được “gọi” tới ty thể để làm tăng sự sản sinh ROS của ty thể; ngoài ra catalase của ty thể còn thực hiện chức năng như là chất chống oxy hóa để kiểm soát lượng ROS nội bào.
Các đại thực bào chuyển gen biểu hiện catalase ty thể cho thấy hoạt động loại bỏ vi khuẩn kém hơn. Bằng chứng này gợi ý rằng mtROS là rất quan trọng đối với khả năng tiêu diệt vi khẩn của đại thực bào[17].
Bốn năm sau, nhà miễn dịch học Mary O’Riordan thuộc Đại học Y Michigan đã phát hiện ra một sự tương tác phức tạp hơn giữa miễn dịch và vai trò của các bào quan, khi cô cho đại thực bào chuột tiếp xúc với vi khuẩn Staphylococcus aureus.
Việc này dường như đã kích hoạt một tín hiệu stress đặc biệt trong lưới nội chất của tế bào, từ đó làm tăng sản xuất ROS.
O’Riordan và các đồng nghiệp của cô đã sử dụng CRISPR-Cas9 để cắt bỏ gen mã hóa IRE1α, một protein cảm ứng stress trong mạng lưới nội chất, họ đã quan sát thấy sự sản xuất ROS giảm rõ rệt trong các ty thể của đại thực bào, và các tế bào này có hiệu quả diệt vi khuẩn thấp hơn nhiều so với các đại thực bào không bị cắt bỏ gen.
Sau đó, nhóm nghiên cứu đã sử dụng các đầu dò huỳnh quang để theo dõi các gốc oxy tự do của H2O2 trong các đại thực bào bình thường và quan sát sự di chuyển của nó từ ty thể đến phagosome (thể thực bào, hình thành khi đại thực bào nuốt một vi khuẩn hoặc một mảnh xác tế bào).
Các thí nghiệm bổ sung cho thấy sự vận chuyển này xảy ra thông qua các túi thoát ra từ ty thể và được đưa vào phagosome. Đại thực bào thiếu gen Parkin, một gen liên quan đến việc tạo ra các túi nêu trên, tỏ ra ít có khả năng tiêu diệt S. aureus và hai loại vi khuẩn khác[18].
Trong thập kỷ trước, một số nghiên cứu đã phát hiện rằng mtROS là cần thiết đối với sự kích hoạt inflammasome – phức hệ protein nội bào có khả năng kích hoạt đáp ứng viêm bằng cách tiết ra các cytokine tiềm viêm, tiêu biểu là IL-1b và IL-18[19].
mtROS và sự kích hoạt miễn dịch đặc hiệu
Việc kích thích thụ thể tế bào T (TCR) đẩy tế bào T vào trạng thái tăng sinh nhanh và biệt hóa. Sự hoạt hóa tế bào T làm tăng sản sinh mtROS; ngược lại, mtROS từ phức hệ III cũng cần cho sự hoạt hóa T CD4+ [20].
Các tế bào B chưa trưởng thành miễn dịch phải trải qua quá trình đa dạng hóa các thụ thể kháng nguyên của chúng thông qua siêu đột biến soma, chuyển lớp kháng thể (CRS) và biệt hóa thành các tế bào plasma tiết kháng thể (PCD).
Heme là một phân tử có thể bám vào Bach2 (một nhân tố phiên mã cần cho miễn dịch dịch thể, bao gồm CRS) và gây ức chế phiên mã. mtROS có khả năng ngăn chặn sự tổng hợp heme trong quá trình CRS, nhưng lại thúc đẩy tổng hợp heme trong PCD. Vì thế, mtROS điều hoat chức năng tế bào B bằng cách chi phối sự sản sinh heme[[21]].
Kháng virus của ty thể
Lộ trình truyền tin kháng virus liên quan đến ty thể (MAVS) là một con đường truyền tin định vị ở màng ngoài ty thể. Nó được hoạt hóa bởi một “cảm biến” RNA virus được gọi là retinoic acid-inducible gene I (RIG-I).
mtROS có thể vận hành quá trình tập hợp MAVS và tạo ra IF1, nhấn mạnh rằng MAVS có thể là “cảm biến” mấu chốt của mtROS. Gần đây, Hee và Cressell đã phát hiện MAVS tương tác trực tiếp với protein kháng virus là viperin hoạt động như là một cơ chế miễn dịch trong đại thực bào chống lại các virus RNA[22].
Chuyển hóa trong ty thể có một vai trò chủ chốt trong việc kiểm soát nhiều chức năng miễn dịch, như là sự biệt hóa tế bào T, sự trưởng thành phân li đại thực bào và miễn dịch ung thư.
Khi hiểu biết của chúng ta về các bản chất của các tế bào miễn dịch được tăng cường, các nghiên cứu gần đây về chuyển hóa – miễn dịch bắt đầu giải thích các cơ chế mà qua đó những thay đổi trong chuyển hóa gây ra những thay đổi về chức năng tế bào miễn dịch.
Nhiều điều thực ra vẫn còn bí ẩn, ví dụ như làm thế nào mà các mROS và các sản phẩm chuyển hóa được sinh ra và đích của chúng là đâu. Các nghiên cứu tương lai có lẽ sẽ vén bức màn đang che giấu những cơ chế trong đó mROS kiểm soát số phận các tế bào miễn dịch.
Tài liệu tham khảo
[1] Luongo, T. S., Lambert, J. P., Gross, P., Nwokedi, M., Lombardi, A. A., Shanmughapriya, S., … Elrod, J. W. (2017). The mitochondrial Na+/Ca2+ exchanger is essential for Ca2+ homeostasis and viability. Nature, 545(7652), 93–97. doi:10.1038/nature22082.
[2] Paupe, V., & Prudent, J. (2018). New insights into the role of mitochondrial calcium homeostasis in cell migration. Biochemical and biophysical research communications, 500(1), 75-86.
[3] Salvesen, G. S., & Dixit, V. M. (1997). Caspases: intracellular signaling by proteolysis. Cell, 91(4), 443-446.
[4] Yuan, J., Shaham, S., Ledoux, S., Ellis, H. M., & Horvitz, H. R. (1993). The C. elegans cell death gene ced-3 encodes a protein similar to mammalian interleukin-1β-converting enzyme. Cell, 75(4), 641-652.
[5] Wang, C., & Youle, R. J. (2009). The role of mitochondria in apoptosis. Annual review of genetics, 43, 95-118.
[6] Harman, D. Aging: A theory based on free radical and radiation chemistry. J. Gerontol. 1956, 11, 298–300.
[7] Ahlqvist, K. J., Suomalainen, A., & Hämäläinen, R. H. (2015). Stem cells, mitochondria and aging. Biochimica et Biophysica Acta (BBA)-Bioenergetics, 1847(11), 1380-1386.
[8] Matilainen, O., Quirós, P. M. and Auwerx, J. (2017). Mitochondria and epigenetics – crosstalk in homeostasis and stress. Trends Cell Biol. 27, 453-463. doi:10.1016/j.tcb.2017.02.004
[9] Menzies, K. J., Zhang, H., Katsyuba, E. and Auwerx, J. (2016). Protein Salvesen, G. S., & Dixit, V. M. (1997). Caspases: intracellular signaling by proteolysis. Cell, 91(4), 443-446. acetylation in metabolism – metabolites and cofactors. Nat. Rev. Endocrinol. 12, 43-60. doi:10.1038/nrendo.2015.181
[10] Wellen, K. E., Hatzivassiliou, G., Sachdeva, U. M., Bui, T. V., Cross, J. R. and Thompson, C. B. (2009). ATP-citrate lyase links cellular metabolism to histone acetylation. Science 324, 1076-1080. doi:10.1126/science.1164097
[11] Matilainen, O., Quirós, P. M. and Auwerx, J. (2017). Mitochondria and epigenetics – crosstalk in homeostasis and stress. Trends Cell Biol. 27, 453-463. doi:10.1016/j.tcb.2017.02.004
[12] Sabari, B. R., Zhang, D., Allis, C. D. and Zhao, Y. (2017). Metabolic regulation of gene expression through histone acylations. Nat. Rev. Mol. Cell Biol. 18, 90-101. doi:10.1038/nrm.2016.140
[13] Lim, S., Angajala, A., & Tan, M. (2018). Diverse roles of mitochondria in immune responses: Novel insights into immuno-metabolism. Frontiers in immunology, 9, 1605.
[14] Coe DJ, Kishore M, Marelli-Berg F. Metabolic regulation of regulatory T cell development and function. Front Immunol (2014) 5:590. doi:10.3389/fimu.2014.00590
[15] Mehta, M. M., Weinberg, S. E., & Chandel, N. S. (2017). Mitochondrial control of immunity: beyond ATP. Nature Reviews Immunology, 17(10), 608.
[16] He, C., & Carter, A. B. (2015). The metabolic prospective and redox regulation of macrophage polarization. Journal of clinical & cellular immunology, 6(6).
[17] West, A. P., Brodsky, I. E., Rahner, C., Woo, D. K., Erdjument-Bromage, H., Tempst, P., … & Ghosh, S. (2011). TLR signalling augments macrophage bactericidal activity through mitochondrial ROS. Nature, 472(7344), 476.
[18] Abuaita, B. H., Schultz, T. L., & O’Riordan, M. X. (2018). Mitochondria-derived vesicles deliver antimicrobial reactive oxygen species to control phagosome-localized Staphylococcus aureus. Cell host & microbe, 24(5), 625-636.
[19] Nakahira, K., Haspel, J. A., Rathinam, V. A., Lee, S. J., Dolinay, T., Lam, H. C., … & Fitzgerald, K. A. (2011). Autophagy proteins regulate innate immune responses by inhibiting the release of mitochondrial DNA mediated by the NALP3 inflammasome. Nature immunology, 12(3), 222.
[20] Sena, L. A., Li, S., Jairaman, A., Prakriya, M., Ezponda, T., Hildeman, D. A., … & Bryce, P. J. (2013). Mitochondria are required for antigen-specific T cell activation through reactive oxygen species signaling. Immunity, 38(2), 225-236.
[21] Watanabe-Matsui, M., Muto, A., Matsui, T., Itoh-Nakadai, A., Nakajima, O., Murayama, K., … & Igarashi, K. (2011). Heme regulates B cell differentiation, antibody class switch, and heme oxygenase-1 expression in B cells as a ligand of Bach2. Blood, blood-2010.
[22] Hee, J. S., & Cresswell, P. (2017). Viperin interaction with mitochondrial antiviral signaling protein (MAVS) limits viperin-mediated inhibition of the interferon response in macrophages. PloS one, 12(2), e0172236.
iceberg/tapchisinhhoc.com
Đọc thêm