Hiện tại, xét nghiệm SARS-CoV-2 được tiến hành thông qua 2 loại là xét nghiệm tìm kháng nguyên virus nCoV và xét nghiệm tìm kháng thể của cơ thể chống lại COVID-19. Bài viết sau đây của PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức sẽ giúp chúng ta có những thông tin cụ thể hơn về kháng nguyên virus SarS-CoV-2 và kháng thể của cơ thể chống lại virus là gì?
Nội dung
Hệ miễn dịch và cơ chế miễn dịch
Hệ miễn dịch là một hệ thống rất phức tạp của cơ thể, giúp phòng chống lại những chất lạ, đặc biệt là mầm bệnh như vi khuẩn, siêu vi, vi nấm… xâm nhập.
Khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể, đầu tiên các “chiến binh” của hệ miễn dịch là “thực bào” (macrophage), một loại tế bào bạch cầu, tấn công “ăn thịt” virus, đồng thời gửi cảnh báo thông tin đến toàn hệ miễn dịch là có kẻ thù xâm nhập.
“Kẻ thù” này được gọi tên chuyên môn là “kháng nguyên”.
Kế tiếp, các tế bào bạch cầu đặc biệt là các tế bào B xung trận. Các tế bào B có khả năng phân biệt các tế bào của ta và tế bào lạ là virus xâm nhập.
Các tế bào B sẽ bám lấy SARS-CoV-2 là mầm bệnh, và có phản ứng bằng cách sản xuất thật nhiều chất gọi là “kháng thể”.
Đó chính là các immunoglobin (Ig), đặc biệt IgM, là các protein đặc biệt có tác dụng vô hiệu hóa các kháng nguyên tương ứng là mầm bệnh.
Kháng nguyên hiểu nôm na là thứ làm cho cơ thể ta sinh ra kháng thể, chống lại kháng nguyên đó.
Nếu chúng ta có hệ miễn dịch tốt, thì chỉ trong một tuần cơ thể đã tiêu diệt virus để chúng ta khỏi bệnh. Sau một tuần nhiễm bệnh sốt và mệt mỏi do nhiễm virus như SARS-CoV-2, người bệnh có thể phục hồi do hệ miễn dịch đã tạo kháng thể hữu hiệu để chống lại virus.
Thông tin về kháng thể sinh ra sẽ được lưu trữ, để những lần sau, nếu virus này xâm nhập, thì cơ thể có ngay vũ khí chống lại mà không phải chờ lâu.
Như vậy, xét nghiệm tìm kháng nguyên và xét nghiệm tìm kháng thể là tìm sự hiện diện của hai thành phần mà hệ miễn dịch phản ứng và đối phó khi bị nhiễm SARS-CoV-2.
Xét nghiệm tìm kháng nguyên
Thông qua việc giải trình tự bộ gen ARN của SARS-CoV-2, hiện nay các nhà khoa học có thể làm xét nghiệm chẩn đoán một người đã bị lây nhiễm SARS-CoV-2 hay chưa.
Đó là nhờ có kỹ thuật Real-time PCR.
Xét nghiệm dùng kỹ thuật này hiện tại là phương pháp duy nhất để phát hiện chính xác sự tồn tại của virus SARS-CoV-2 trong cơ thể. Cơ chế của nó là tìm ra đoạn gen ARN của virus (kháng nguyên) có trong mẫu, lấy từ phết mũi họng hoặc những vùng khác của đường hô hấp như phết họng, dịch rửa phế quản, nước bọt.
Thông thường, kỹ thật cơ bản xét nghiệm xác định một mầm bệnh vi sinh là kháng nguyên là phải nuôi cấy cho được tác nhân vi sinh đó từ bệnh phẩm và sau đó làm thử nghiệm định danh.
Nhờ Real-time PCR, người ta không phải nuôi cấy con SARS-CoV-2 mà tìm cách nhân bản những đoạn ARN đặc hiệu của SARS-CoV-2 có trong bệnh phẩm (là đàm tiết của bệnh nhân).
PCR (Polymerase Chain Reaction) là thử nghiệm nhân bản ARN của SARS-CoV-2 trong ống nghiệm dựa vào các chu kỳ nhiệt. Real-time PCR (RT-PCR) là thử nghiệm nhân bản ARN của SARS-CoV-2 sau mỗi chu kỳ nhiệt xác định.
Xét nghiệm RT-PCR phát hiện được virus từ ngày 1 của triệu chứng và nhạy nhất trong vòng tuần đầu tiên sau khi có triệu chứng. Tỷ lệ dương tính giảm dần đến tuần thứ 3 và sau đó không thể phát hiện được, ngoại trừ ở một số bệnh nhân nặng. Có một vài trường hợp có thể phát hiện được ARN virus đến tuần thứ 6 sau lần xét nghiệm dương tính đầu tiên.
RT-PCR hiện tại là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán một người hiện có đang nhiễm SARS-CoV-2 hay không. Tuy nhiên, RT-PCR thực hiện có chậm, thường trong phòng thí nghiệm cần 4-6 giờ để cho ra kết quả.
Độ nhạy của RT-PCR là 99% và độ đặc hiệu là 100%. Điều này gần đồng nghĩa với việc tỷ lệ dương tính giả (Xét nghiệm dương tính, nhưng không bệnh) gần như là không có. Âm tính giả (Xét nghiệm kết quả âm tính, nhưng có bệnh) chủ yếu là do thời gian lấy mẫu không phù hợp với diễn tiến bệnh hoặc thiếu sót trong kỹ thuật lấy mẫu, đặc biệt là phết mũi họng.
Xét nghiệm tìm kháng thể
Nguồn: News-Medical
Xét nghiệm tìm kháng thể là tìm virus gián tiếp thông qua xác định kháng thể trong máu. Kháng thể là các protein đặc biệt (IgM, IgG) mà cơ thể sản sinh ra để chống lại các bệnh nhiễm trùng. Thông thường, sau khi nhiễm bệnh, phải mất một thời gian để cơ thể sản sinh ra các kháng thể và có thể phát hiện được trong máu.
Hiện nay có 2 kỹ thuật để tìm kháng thể:
Kỹ thuật ELISA: giúp định lượng nồng độ kháng thể IgM và IgG trong máu, trung bình phải mất 1-5 giờ để có kết quả nồng độ kháng thể trong máu.
Kỹ thuật sắc ký miễn dịch (xét nghiệm nhanh hay test nhanh): định tính kháng thể, tương tự như que thử thai. Kỹ thuật này đơn giản, chi phí ít, cho kết quả nhanh. Chỉ cần 15-20 phút đã có kết quả có hay không có kháng thể.
Xét nghiệm kháng thể huyết thanh rất quan trọng khi sử dụng trong cộng đồng để hiểu được sự phát tán của COVID-19 và phát hiện những người có kháng thể và có khả năng tự bảo vệ trước virus.
Xét nghiệm này quan trọng với cộng đồng, nhưng không dùng để chẩn đoán một người có đang nhiễm SARS-CoV-2 hay không.
Riêng test nhanh có giá trị điều tra dịch tễ xem tình hình dịch đã qua, hiện tại và dự báo tương lai.
Test nhanh làm sớm quá thì cơ thể chưa có đủ kháng thể, sẽ cho kết quả test nhanh âm tính (âm tính giả).
Test nhanh làm đúng lúc, cũng chưa đủ khẳng định được là hiện tại có sự hiện diện virus SARS-CoV-2 trong cơ thể hay không, mà cần phải làm thêm xét nghiệm RT-PCR để tìm virus SARS-CoV-2.
Test nhanh làm muộn thì có thể cho kết quả dương tính (dương tính giả), nhất là sau 2 tuần phơi nhiễm virus SARS-CoV-2.
Ai nên làm xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2?
Những người có triệu chứng hay tiếp xúc gần với người được chẩn đoán nhiễm COVID-19 nên được xét ngiệm RT-PCR phết mũi họng để chẩn đoán.
Kháng thể cần thời gian để sinh ra khi một người bị bệnh, vì thế xét nghiệm kháng thể sẽ không chính xác với những người mới vừa mắc bệnh.
Do đó, nếu kết quả xét nghiệm kháng thể là âm tính cũng không thể loại trừ một người không mắc bệnh và người đó vẫn phải cách ly 14 ngày kèm theo làm thêm xét nghiệm RT-PCR để chẩn đoán.
Theo: Sức khỏe và Đời sống
>> Xem thêm:
Chuyên trang tin tức 24/7: Virus Corona 2019
No Responses