Thực đơn giảm cân không tinh bột là sai lầm nghiêm trọng
Giảm cân không tinh bột có thể gây ra hiện tượng tăng đường huyết trong khi cân nặng không hề giảm. Vấn đề này là rất nghiêm trọng đối với người bị tiểu đường.
Không ăn tinh bột có hại không?
Trong chuyến đi công tác về tỉnh Hà Tĩnh, khám bệnh cho người dân ở đây, TS. Phan Hướng Dương (Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương) giật mình vì nhìn thấy nhiều bà con ở địa phương đã nhịn cơm ăn khoai sọ, ăn miến.
Trường hợp của bà Nguyễn Thị C. 56 tuổi, bị tiểu đường 5 năm. Khi khám cho bệnh nhân, đường máu vẫn tăng và cân nặng tương tự. Bà C cho biết mình nhịn cơm không dám ăn cơm mà chỉ ăn khoai sọ vì nhà trồng được nhiều khoai sọ.
Lúc này, bác sĩ cũng ngạc nhiên vì lần khám trước bác sĩ đã tư vấn rất kỹ cho bệnh nhân nhưng bà C cho rằng mình được người ta rỉ tai nói ăn khoai sọ tốt cho bệnh tiểu đường, thậm chí nhà trồng khoai sọ chẳng dám bán mà chỉ để ăn dần vì nghĩ rằng món ăn này tốt.
Hay trường hợp của chị Vũ Thị H. 41 tuổi, ở Hà Nội cũng tương tự. Chị H. bị tiểu đường từ năm 36 tuổi do béo phì. Để giảm cân, chị H đã nói không với cơm trắng từ lâu. Buổi sáng chị ăn chút hoa quả, buổi trưa ăn vặt ở cơ quan và tối về chị chỉ ăn rau và thịt không ăn hạt cơm nào.
Tuy nhiên, cân nặng vẫn không giảm, đường huyết vẫn tăng mà chị H, cảm thấy mệt mỏi hơn. Chị đi khám lại thêm bệnh tăng huyết áp nhưng khi chị nói với bác sĩ không ăn cơm gần 2 năm nay, đến bác sĩ cũng giật mình.
Giảm cân không tinh bột là phương pháp sai lầm nghiêm trọng
Theo khuyến cáo của thế giới, 1 ngày tối thiểu phải ăn 130 gram tinh bột vì não của chúng ta hoạt động nhờ đường. Não chỉ sử dụng đường, không sử dụng chất béo, thịt. 50 – 60 % chất bột đường được não sử dụng nên chúng ta bỏ qua bột đường, thấy đường máu cao không ăn nữa là sai lầm.
Khi sử dụng các món ăn không chứa tinh bột, não cần đường để hoạt động khi đó cơ thể bắt buộc phải chuyển hoá sinh ra chất bột đường từ thịt, từ chất béo, đây là quá trình chuyển hoá phức tạp hơn và sản sinh ra các chất không tốt cho cơ thể vì nó phải đào thải trong quá trình chuyển hoá nên các chuyên gia đã tính toán ít nhất 1 ngày chúng ta cần 130 gram tinh bột nếu ăn không đủ không được.
Nếu ăn 1 bát phở tương đương với khoảng 80 gram tinh bột, 1 bát xôi 120 gram tinh bột, bát cháo 40 gram tinh bột và mỗi người phải biết cân nhắc sao cho tỷ lệ các chất bột đường và chất béo, chất đạm phải tổng hoà.
Bệnh nhân đái tháo đường cũng có nhu cầu năng lượng gần giống như người bình thường. Tuy nhiên nhu cầu này tăng hay giảm còn phụ thuộc vào tuổi, loại lao động, thể trạng béo hay gầy…
Chất bột đường trong bệnh đái tháo đường, đường huyết có chiều hướng tăng vọt sau khi ăn do vậy điều cơ bản trong chế độ ăn của bệnh nhân là phải hạn chế tinh bột.
Tuy nhiên không được giảm qúa nhiều để cơ thể vẫn có thể duy trì được cân nặng và hoạt động bình thường. Tỉ lệ năng lượng do tinh bột được chấp nhận là 50 – 60% (người bình thường là 65%) tổng số năng lượng của khẩu phần.
Hạn chế các loại đường đơn và các loại thức ăn có hàm lượng đường cao (đường, bánh, mứt, kẹo, nước ngọt).
Ngày càng nhiều trẻ bị tiểu đường type 2
TS. Dương cho biết nếu trước đây bệnh này chỉ ở những người từ 40 tuổi trở lên thì hiện nay rất nhiều cháu bé 11, 12 tuổi bị đái tháo đường type 2 suốt ngày các cháu chỉ học, không có thời gian tập luyện, ăn lại nhiều thực phẩm năng lượng cao như bánh mì, xôi thịt, thức ăn nhanh.
Cha mẹ các cháu chỉ quan tâm tới việc học của con mà ít quan tâm tới lối sống, ăn uống, tập luyện kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho trẻ.
Khi các cháu vào viện, kết quả khám cho thấy trẻ đã mắc đái tháo đường type 2 từ trước đó và có cháu bắt buộc phải tiêm insulin để điều trị bệnh.
>> Đọc thêm:
- Dấu hiệu sớm của ung thư trong máu
- Đảo ngược quá trình lão hóa
- Bệnh Alzheimer có chữa được không?
- Hướng dẫn cách đọc xét nghiệm máu tổng quát
Theo Tri Thức Trẻ
www.tapchisinhhoc.com
No Responses